Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

15:05, 22/12/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Theo Bộ VH-TT&DL, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Năm 2022 thống kê có hơn 70 nghìn cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế...
 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Tại hội nghị, các bộ ngành, doanh nghiệp tham gia công nghiệp văn hóa và đại diện các tỉnh thành đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gồm 2 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII; 2 Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là nước đi sau trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sau nhiều năm chiến tranh; các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chịu sức cạnh tranh lớn. Phát triển công nghiệp liên quan đến yếu tố sáng tạo, đến nhân tố con người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng gặp nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.Về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.
 
Thủ tướng khẳng định, điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là không có giới hạn. Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại…

Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế, để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
 
Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

 

Tin, ảnh: KIM NGÂN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:05, 22/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.