Dược liệu bán tràn lan: Nhiều lo ngại

13:39, 05/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên thị trường hiện đang bán tràn lan các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Không rõ nguồn gốc 

Thời gian gần đây, tại nhiều chợ, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm có tên chè dây rừng được bày bán tràn lan. Trên mỗi túi đựng lá cây, cành cây khô cắt nhỏ, là mẫu giấy in dòng chữ "Chè dây rừng - đặc biệt tiêu diệt vi khuẩn HP, tiêu viêm, diệt khuẩn, trị viêm hang vị, sưng dạ dày, xung huyết...". Đóng gói kỹ lưỡng và được quảng cáo là trị được nhiều bệnh, nhưng sản phẩm này không có thông tin về xuất xứ, cũng như hạn sử dụng. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn quyết định mua, sau khi tìm hiểu công dụng của loại lá rừng này thông qua lời giới thiệu của người bán.

Các sản phẩm làm từ dược liệu được chủ một cửa hàng tại phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) gửi mẫu đến Viện Dược liệu (Bộ Y tế) rồi mới bày bán.                                                Ảnh: ĐÔNG YÊN
Các sản phẩm làm từ dược liệu được chủ một cửa hàng tại phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) gửi mẫu đến Viện Dược liệu (Bộ Y tế) rồi mới bày bán.                                                Ảnh: ĐÔNG YÊN

Tương tự, trên thị trường cũng đang rộ lên sản phẩm cây an xoa rừng, được cắt nhỏ, sấy khô, đóng gói và bày bán với giá chỉ 40 nghìn đồng/kg, nhưng có thể trị được đủ các bệnh nan y như viêm gan A, B, C và ung thư gan. Sản phẩm gắn mác dược liệu này không chỉ bán trực tiếp tại các cửa hàng, mà còn được nhiều người đăng tải lên mạng xã hội để quảng cáo, thu hút khách hàng.

Tại nhiều cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống ở các huyện miền núi của tỉnh như Sơn Hà, Sơn Tây... nhiều loại rễ, lá, củ, nấm... cũng đang được các tiểu thương bày bán và quảng cáo rằng đây là sâm cau, sâm Ngọc Linh, sâm bảy lá một hoa, nấm ngọc cẩu, kê huyết đằng, lan kim tuyến... Theo các tiểu thương, đây đều là những sản phẩm do người dân địa phương đi đào, hái dưới tán rừng già và họ chỉ là người thu mua lại. Hầu hết tiểu thương đều chia sẻ rằng, họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thu mua nhiều năm để phán đoán, xác định chất lượng, số năm tuổi của cây dược liệu rồi rao bán, chứ không thông qua bất cứ quy trình kiểm định chất lượng nào. Sau khi thu mua, tiểu thương lại tiếp tục bán lẻ các sản phẩm dược liệu chưa được kiểm định chất lượng này đến người tiêu dùng hoặc bán lại cho các thương lái ngoài tỉnh. 

Cần thận trọng

Anh T.N, chủ một đại lý thu mua, bán dược liệu ở huyện Sơn Hà cho biết, thời gian gần đây, sâm bảy lá một hoa và lan kim tuyến mọc ở những ngọn núi cao của Quảng Ngãi là mặt hàng dược liệu được nhiều người săn đón. Hiện, sâm bảy lá một hoa có giá từ 2 - 2,2 triệu đồng/kg, còn lan kim tuyến 1,8 triệu đồng/kg. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tôi lên mạng tìm hiểu, tải các hình ảnh dược liệu về, rồi đặt hàng một số người chuyên đi rừng tìm mật ong, để họ kết hợp tìm dược liệu rồi bán lại cho tôi. Chứ họ không phải là người có kinh nghiệm có thể nhận biết cây dược liệu.

 Loại củ được một chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) bày bán và giới thiệu  là sâm bảy lá một hoa.           Ảnh: ĐÔNG YÊN
 Loại củ được một chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) bày bán và giới thiệu  là sâm bảy lá một hoa.           Ảnh: ĐÔNG YÊN

Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hạ Thế Phong, dược liệu có rất nhiều cây có hình dạng gần giống nhau, ngay đến thầy thuốc đông y còn khó phân biệt. Chẳng hạn như rễ cây sâm cau và bồng bồng, cùng mọc ở các huyện miền núi của tỉnh như Sơn Hà, Sơn Tây có hình dạng rất giống nhau. Hai loại rễ cây này chỉ khác ở chỗ, rễ sâm cau có vị ngọt nhẹ, còn bồng bồng thì không có vị. Hay như trường hợp thân cây dược liệu kê huyết đằng khá giống thân cây lá ngón. Ở nhiều nơi, hai loại cây này mọc cạnh nhau, thân đan cài vào nhau. Vậy nên, nhiều năm trước, Quảng Ngãi từng xảy ra việc, người dân khi khai thác cây kê huyết đằng về trị đau khớp đã nhầm lẫn khai thác thêm cây lá ngón, dẫn đến chết người.

Trước thực tế trên, ông Hạ Thế Phong khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi mua dược liệu chưa được kiểm định thành phần, chất lượng. Bởi lẽ, ngay chính người đi hái dược liệu và người bán cũng chưa chắc am hiểu, phân biệt được dược liệu. Mặt khác, một số cây dược liệu, dù có thể hỗ trợ chữa trị một số bệnh, nhưng lại chứa một số hoạt chất có hại đi kèm. Vì vậy, người dân chỉ nên sử dụng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, đã được ngành y tế cho phép lưu hành, để tránh tiền mất, tật mang.

Dược liệu cây an xoa được nhiều người dân miền núi trong tỉnh bày bán và quảng cáo trị được ung thư gan.                   ẢNH: ĐÔNG YÊN
Dược liệu cây an xoa được nhiều người dân miền núi trong tỉnh bày bán và quảng cáo trị được ung thư gan.                   ẢNH: ĐÔNG YÊN

Không chỉ người tiêu dùng cần sáng suốt hơn trong lựa chọn sản phẩm dược liệu, mà ngành chức năng cũng cần quan tâm, kiểm soát, tránh "thả nổi" hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Bởi, theo Thông tư số 03/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, cơ sở bán lẻ dược liệu chỉ được bán các dược liệu được mua tại các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh dược liệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có bao bì, ghi nhãn. Đồng thời, cơ sở phải có ít nhất một người đạt trình độ từ dược tá trở lên.

ĐÔNG YÊN





 


Ý kiến bạn đọc


.