![]() |
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Minh Đan - Phó Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: Ý THU |
* PV: Thưa ông, số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tăng đến 14,5 lần so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều người lo lắng về đường lây truyền của căn bệnh. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
* Ông Phan Minh Đan: Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh.
Từ đầu năm đến nay, không chỉ riêng Quảng Ngãi, mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, số bệnh nhân mắc bệnh sởi đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Là bệnh dễ lây nhiễm, nhưng sởi là bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin. Tại Quảng Ngãi, số ca mắc bệnh sởi chủ yếu xuất hiện ở những trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi, hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều.
* PV: Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, ông có khuyến cáo gì với người dân?
* Ông Phan Minh Đan: Nhiều người chủ quan nghĩ rằng, sởi chỉ khiến cơ thể bị sốt, sốt phát ban, ít gây ra các hệ lụy về sức khỏe. Những suy nghĩ sai lầm, chủ quan này khiến nhiều phụ huynh chểnh mảng, không tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều cho con.
Trên thực tế, sởi có thể gây ra biến chứng trầm trọng, gây tổn thương, rối loạn chức năng đa cơ quan. Chẳng hạn như: Viêm loét họng, viêm tai giữa, viêm kết mạc, giác mạc, thậm chí gây viêm cơ tim, viêm não tủy, viêm não... Vì vậy, khi có các triệu chứng điển hình của bệnh sởi là phát ban, đi kèm với các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, đỏ mắt, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời. Đồng thời, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người nhà bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu đau nhức tai, ho bất thường, khó thở, rối loạn về ý thức...Vì đây là các biểu hiện cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh sởi đang gặp phải các biến chứng về sức khỏe.
Để tránh những hệ lụy về sức khỏe do bệnh sởi gây ra, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi (mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi). Đối với những trẻ đã quá độ tuổi nói trên, nhưng vẫn chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều, các bậc phụ huynh cần sớm đưa con đến các điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin cho trẻ.
* PV: Để kiểm soát bệnh sởi, ngành y tế tỉnh đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
* Ông Phan Minh Đan: Hiện nay, dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát nhưng nguy cơ tăng số ca vẫn hiện hữu. Vì vậy, ngành y tế tỉnh đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế lây lan và tăng cường phát hiện bệnh trên diện rộng để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Để hạn chế lây lan, tất cả các cơ sở y tế của tỉnh đều tổ chức phân luồng và bố trí khu vực cách ly điều trị bệnh sởi để kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo. Công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng để kịp thời xử lý, không để lây lan, bùng phát dịch cũng được ngành y tế tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Ngành y tế tỉnh cũng đã rà soát, xác định gần 24 nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh cần được tiêm vắc xin sởi và tăng cường nhân lực, bố trí 369 điểm tiêm chủng, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiêm vắc xin. Dự kiến, đến ngày 3/4/2025, ngành y tế tỉnh sẽ hoàn tất chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Ý THU (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: