(Báo Quảng Ngãi)- Theo Bộ Y tế, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354,820 nghìn cơ sở, phát hiện 22,073 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần. Các lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ, với 97 bị can. Đằng sau những con số "biết nói" ấy là nhiều bữa ăn chứa đựng nguy cơ mất ATTP, không ít gia đình đối mặt với rủi ro về sức khỏe.
Trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, nhưng số tiền phạt chỉ tăng 1,69 lần. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu mức phạt hiện tại đã đủ sức răn đe? Trên thực tế, có tình trạng cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, dù đã bị phạt vẫn có thể tiếp tục kinh doanh, rồi lại vi phạm.
Tại Quảng Ngãi, trong năm 2024 xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 85 ca mắc, 1 ca tử vong.
Những thống kê này có lẽ không thể "kể hết" câu chuyện về vi phạm ATTP. Có bao nhiêu cơ sở nhỏ lẻ, những điểm kinh doanh tự phát không nằm trong diện kiểm tra? Có bao nhiêu sản phẩm đã qua mặt được lực lượng chức năng và tới tay người tiêu dùng?
Có thể thấy, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; từ trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng mất ATTP, thì tuyên truyền là giải pháp căn cơ, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Hơn nữa, cần nâng mức phạt để tăng tính răn đe.
Cùng với đó là, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của lực lượng kiểm tra; đồng thời, tăng cường công khai trong quá trình xử lý vi phạm. Việc công bố danh sách các cơ sở vi phạm, cùng với mức phạt cụ thể, không chỉ giúp người tiêu dùng nắm thông tin, mà còn tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, cần xây dựng một hệ sinh thái thực phẩm an toàn, nơi doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng có lợi. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất sạch không chỉ giúp giảm rủi ro an toàn thực phẩm, mà còn thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường kiểm soát ATTP nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2025. Trong đó lưu ý, cơ quan chức năng chủ động, kịp thời tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm ATTP, gian lận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Xử lý kịp thời và công khai các trường hợp vi phạm quy định về ATTP trên địa bàn. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản...
An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề kinh tế hay sức khỏe, mà còn là câu chuyện về niềm tin và trách nhiệm. Niềm tin là một thứ dễ mất và khó lấy lại. Do đó, để đảm bảo ATTP cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân.
HOÀNG ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: