Nhận biết sớm trẻ bị tự kỷ

10:26, 08/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh đã chính thức triển khai chẩn đoán và can thiệp đối với trẻ mắc tự kỷ. Đây là nỗ lực của bệnh viện để đồng hành cùng gia đình trong hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển, hòa nhập cộng đồng.

Định kỳ thứ 5 hằng tuần, phòng can thiệp dành cho trẻ mắc tự kỷ tại BVSN tỉnh có rất đông phụ huynh và trẻ đến điều trị. Tại đây, tùy vào mức độ phát triển của trẻ, tình trạng bệnh, mà bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau.

“Con tôi bị chậm nói và khó chịu thái quá khi người khác chạm vào tay, chân mình. Trước khi đưa con đến BVSN tỉnh để thăm khám, tôi không nghĩ đây là biểu hiện của bệnh tự kỷ. Song, sau khi thăm khám và được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, tôi đều đặn đưa con đến bệnh viện vào thứ 5 hằng tuần để được can thiệp sớm. Tại đây, con tôi được tập các bài tập vận động lồng ghép với các trò chơi để cải thiện chứng rối loạn cảm giác, mà biểu hiện rõ nhất là khó chịu thái quá khi người khác đụng vào da mình. Cùng với đó, con được các điều dưỡng dạy cải thiện ngôn ngữ. Không chỉ con học, mà tôi cũng quan sát và học, để về nhà tiếp tục kiên trì hỗ trợ con”, chị H, ở TP.Quảng Ngãi, bày tỏ.

Điều dưỡng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh sử dụng các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.
Điều dưỡng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh sử dụng các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.

Trước thực trạng bệnh tự kỷ ngày càng gia tăng, để đồng hành cùng các phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ, BVSN tỉnh đã cử các bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên và chính thức triển khai việc chẩn đoán, can thiệp đối với trẻ mắc tự kỷ từ cuối năm 2024. Dù mới triển khai, nhưng bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy, được nhiều phụ huynh đưa con đến khám sàng lọc và điều trị bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Vân Anh (BVSN tỉnh) cho biết, tự kỷ là rối loạn phát triển về thần kinh. Bệnh tự kỷ thường khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do khó tương tác và giao tiếp xã hội. Bệnh tự kỷ khi được can thiệp sớm và đúng sẽ giúp trẻ cải thiện về giao tiếp, sinh hoạt cá nhân và hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng, nhất là trong giai đoạn trẻ từ 2 - 4 tuổi. Vì ở giai đoạn này, hệ thần kinh của trẻ đang phát triển nên việc can thiệp đạt hiệu quả cao. Các bậc cha mẹ cần nắm được một số dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ để đưa đến các cơ sở uy tín để khám sàng lọc và có biện pháp can thiệp kịp thời, phù hợp.

Theo bác sĩ Vân Anh, từ 12 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng dễ nhận biết. Chẳng hạn như, khi trẻ đủ 12 tháng nhưng chưa thể nói bập bẹ; chưa có các động tác, cử chỉ đơn giản như chỉ ngón tay, gật đầu, vẫy tay; khi trẻ đủ 16 tháng tuổi nhưng chưa nói được các từ đơn và 24 tháng vẫn chưa nói được câu có 2 từ. Cùng với đó, trẻ có hành vi, sở thích, hành động lặp đi lặp lại, như: Nhảy cẫng lên và vỗ tay, đi nhón chân, thích nhìn nghiêng, thích các chuyển động tròn nên thường nhìn chăm chăm vào máy quạt đang hoạt động. Ngoài ra, trẻ còn gặp khó khăn trong giao tiếp với những người xung quanh, không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày và môi trường xung quanh...

“Đây chỉ là một số dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ. Còn lại, việc khám sàng lọc để xác định trẻ tự kỷ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn. Vì có 1 số triệu chứng, ví dụ như trẻ chậm nói, trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp là do trẻ bị điếc bẩm sinh, hoặc bị dị tật dính thắng lưỡi. Do đó, các bậc phụ huynh nên đưa con mình đến các cơ sở y tế uy tín để đánh giá sự phát triển của con ở các mốc quan trọng là 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và khám sàng lọc tự kỷ ở 18 tháng và 24 tháng”, bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:26, 08/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.