(Báo Quảng Ngãi)- Tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị bệnh tiền đái tháo đường lên đến 8,6%. Đây là bệnh lý mà khi mắc phải, người bệnh có nguy cơ cao chuyển sang đái tháo đường và nhiều bệnh nguy hiểm khác về tim mạch.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị bệnh tiền đái tháo đường (ĐTĐ) chiếm 8,6%, gấp khoảng 1,4 lần số lượng bệnh nhân ĐTĐ. Tỷ lệ này đang ở mức cao so với bình quân chung của thế giới.
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết tỉnh tư vấn dinh dưỡng cho người bị tiền tiểu đường. |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Phương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết, bệnh tiền ĐTĐ được hiểu là bệnh lý trung gian giữa khỏe mạnh và ĐTĐ. Người bị tiền ĐTĐ có chỉ số đường huyết cao hơn người bình thường, nhưng chưa đủ để chẩn đoán bị ĐTD. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh, khoảng 5 - 10% người bị tiền ĐTĐ sẽ bị bệnh ĐTĐ chỉ trong vòng một năm.
Bệnh tiền ĐTĐ thường gặp ở người thừa cân hoặc béo phì và có kèm theo một trong số các yếu tố sau: Có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; tăng huyết áp; ít hoạt động thể lực; có người thân đời thứ nhất (ba mẹ, anh chị em ruột, con ruột) bị ĐTĐ. Riêng đối với phụ nữ, những người từng mang thai và đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ hoặc thừa cân hay béo phì, nhưng bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng nằm trong nhóm có nguy cơ bị tiền ĐTĐ.
Hệ thống máy xét nghiệm về chỉ số đường huyết hiện đại tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh. |
Đến tầm soát bệnh tiền ĐTĐ tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh, chị Nguyễn Thị Yến (35 tuổi), ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, mẹ của tôi bị bệnh ĐTĐ từ nhiều năm nay. Còn tôi, khi mang thai đứa con đầu lòng, tôi được chẩn đoán bị ĐTĐ thai kỳ. Các bác sĩ đặc biệt căn dặn tôi nên kiểm tra, theo dõi chỉ số đường huyết đều đặn mỗi năm, vì tôi nằm trong nhóm nguy cơ cao bị tiền ĐTĐ. Do đó, hơn 2 năm qua, cứ 6 tháng/lần, tôi đều đặn đến xét nghiệm tầm soát tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh. Chi phí thực hiện xét nghiệm tầm soát tiền ĐTĐ tại bệnh viện không cao, chưa đến 200 nghìn đồng, nhưng bệnh viện có trang thiết bị hiện đại chuyên thực hiện các xét nghiệm liên quan đến bệnh tiền ĐTĐ và ĐTĐ, nên giúp tôi yên tâm.
Là bệnh lý khiến người bệnh có nguy cơ bị ĐTĐ và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhưng tiền ĐTĐ lại không có triệu chứng rõ ràng, không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, cách duy nhất để nhận biết bệnh lý tiền ĐTĐ là người bệnh phải đi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát. “Làm các xét nghiệm để tầm soát bệnh tiền ĐTĐ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe người bệnh. Vì khi bị tiền ĐTĐ, nếu được điều trị, can thiệp kịp thời, người bệnh hoàn toàn có thể đưa chỉ số đường huyết trở về bình thường, giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển thành ĐTĐ, cũng như giảm các nguy cơ bệnh tim mạch”, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Phương chia sẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo, bên cạnh nhóm người có nguy cơ cao bị bệnh tiền ĐTĐ, thì tất cả những người ở độ tuổi từ 45 trở lên cần làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện bệnh tiền ĐTĐ. Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng từ 1 - 3 năm sau, hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Phương, khi xét nghiệm, tầm soát và phát hiện bệnh nhân mắc bệnh tiền ĐTĐ, ngoài điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường các hoạt động thể lực. Bởi, đối với các bệnh nhân tiền ĐTĐ, chế độ ăn uống hợp lý, chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, ít chất béo và duy trì tập thể lực bằng cách đi bộ ít nhất 30 phút/ngày... là một trong các phương pháp điều trị hữu hiệu nhất.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: