Đầu tháng 6/2024, một bệnh nhân nam 29 tuổi khi đang làm việc ngoài công trường vào thời điểm nắng nóng thì đột ngột ngất đi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến dưới để điều trị và được chẩn đoán bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, bệnh nhân nằm viện 3 tiếng mà triệu chứng vẫn chưa được cải thiện nên được chuyển đến BVĐK tỉnh.
Tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan sọ não cùng nhiều xét nghiệm khác và được chẩn đoán bị đột quỵ não. Trong vòng chưa đến 1 giờ kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị thuốc tiêu sợi huyết. Nhờ được điều trị kịp thời, chỉ sau 3 giờ kể từ khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân nói được, không liệt tay chân. Một ngày sau đó, bệnh nhân đã nói được câu dài.
Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức trao Chứng nhận Vàng của Hội Đột quỵ Thế giới cho đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào đầu tháng 8 vừa qua. |
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu tại BVĐK tỉnh cho đến khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết - phương pháp điều trị tối ưu khi bệnh nhân bị đột quỵ, đang ngày càng được rút ngắn. Nếu như trong quý IV/2023, sau 58 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân đột quỵ được tiêm thuốc tiêu sợi huyết, thì đến quý II/2024, khoảng thời gian này đã rút ngắn xuống còn 48 phút.
Bác sĩ chuyên khoa I Lương Quyết Thắng - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh) chia sẻ, thời gian “vàng” để tiêm thuốc tiêu sợi huyết là trong 4,5 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, nỗ lực rút ngắn từng phút trong điều trị đột quỵ không chỉ có ý nghĩa quyết định trong cứu sống bệnh nhân, mà còn giúp bệnh nhân giảm các di chứng nặng nề về sức khỏe. Bởi, ở người bị đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua, có 2 triệu tế bào thần kinh của bệnh nhân bị tổn thương.
Để chạy đua với thời gian trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, BVĐK tỉnh đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố, bao gồm nhân lực có trình độ cao, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn giữa các khoa, phòng có liên quan. Cùng với đó, BVĐK tỉnh còn đáp ứng hàng loạt các tiêu chí do Hội Đột quỵ Thế giới đề ra về hệ thống cấp cứu, nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu...
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ. |
Với những nỗ lực đó, từ quý IV/2023 đến nay, BVĐK tỉnh đã 3 lần liên tiếp nhận được Chứng nhận Vàng của Hội Đột quỵ Thế giới. Đây là chứng nhận dành cho các cơ sở y tế có hoạt động chăm sóc, điều trị đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, chỉ có hơn 40 cơ sở y tế nhận được chứng nhận này.
“Chứng nhận này không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, Hội Đột quỵ Thế giới sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đáp ứng được hàng loạt tiêu chí khắt khe, thì mới được tái cấp chứng nhận. Vì vậy, việc được Hội Đột quỵ Thế giới trao Chứng nhận Vàng, vừa khẳng định chất lượng cấp cứu, điều trị đột quỵ của BVĐK tỉnh, vừa là động lực để y, bác sĩ tiếp tục nỗ lực, tối ưu quy trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ”, Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức chia sẻ.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: