Thuốc điều trị bệnh bạch hầu thanh quản

08:23, 09/07/2024
.

Bệnh bạch hầu thanh quản là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn Corynebacteria diphtheriae gây ra. Bệnh tiến triển nhanh, sự chậm trễ trong điều trị có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

1. Bạch hầu thanh quản là gì?

Bệnh bạch hầu thanh quản là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua các giọt không khí do người nhiễm bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ dưới 15 tuổi là hay gặp nhất. Những người sống trong điều kiện vệ sinh kém và quá đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em không được tiêm chủng có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn.

Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày. Sau đó bệnh xuất hiện cục bộ tùy vị trí khởi đầu nơi vi khuẩn sinh sản. 

Trên lâm sàng thường gặp 3 thể là bạch hầu mũi, bạch hầu họng amidan và bạch hầu thanh quản. Bạch hầu thanh quản chiếm khoảng 1/4 các trường hợp.

Các triệu chứng và dấu hiệu toàn thân có thể bao gồm đau họng, ho, sốt, ớn lạnh, uể oải, buồn nôn, nôn, xanh xao... Một số trường hợp có sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ. 

Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện giả mạc là các lớp màng dày màu trắng ngà hoặc xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê, đờ đẫn, mạch nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ mắc bệnh bạch hầu có thể tử vong sau vài ngày do vi khuẩn ngấm vào máu, gây nhiễm độc toàn thân.

Chẩn đoán được thực hiện bằng bệnh sử và khám thực thể bệnh nhân. Cấy vi khuẩn Corynebacteria sẽ mang lại chẩn đoán xác định mặc dù bệnh nhân cần được điều trị nếu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu thanh quản là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra chủ yếu là vi khuẩn Corynebacteria diphtheriae.
Bệnh bạch hầu thanh quản là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra chủ yếu là vi khuẩn Corynebacteria diphtheriae.

2. Điều trị bạch hầu thanh quản như thế nào?

Người bệnh cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế. Sự chậm trễ trong điều trị bệnh bạch hầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, thận, tắc nghẽn đường thở dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Các chủng sinh độc C. diphtheria tạo ra ngoại độc tố có thể gây tác hại đến niêm mạc đường hô hấp, da (bạch hầu ở da) và đôi khi ở niêm mạc của các vị trí khác (kết mạc, tai, âm hộ, âm đạo)… Độc tố phá hủy mô tại chỗ, tạo màng và có thể hấp thu vào máu và phân bố khắp cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng (như viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, giảm tiểu cầu, suy thận). Đa số xảy ra ở người chưa được tiêm phòng.

Vì vậy, điều trị bệnh bạch hầu thanh quản bao gồm sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu và các thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được sử dụng để loại trừ vi khuẩn khỏi các ổ viêm nhiễm, ngăn chặn sự khuếch tán và tiết độc tố. Tuy nhiên, các thuốc kháng sinh không có giá trị trung hòa độc tố bạch hầu và không thể thay thế được kháng độc tố trong điều trị bệnh.

Các trường hợp đã có dấu hiệu bít tắc đường hô hấp thì sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện bóc giả mạc để thông đường hô hấp. Có thể cần đặt nội khí quản hoặc mở khí quản và phải được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để được chăm sóc. Chăm sóc hỗ trợ bao gồm: Theo dõi tim – nhịp tim tăng có thể gây ngừng tim; truyền dịch; nghỉ ngơi tại giường; quản lý các biến chứng toàn thân.

Bệnh thường gặp ở trẻ em chưa được tiêm phòng.
Bệnh thường gặp ở trẻ em chưa được tiêm phòng.

3. Thuốc điều trị bệnh bạch hầu thanh quản

3.1. Thuốc kháng độc tố bạch hầu

Việc sử dụng sớm nhất thuốc kháng độc tố bạch hầu là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là bệnh bạch hầu thanh quản. Vì thuốc kháng độc tố không trung hòa được độc tố đã bám vào các mô nên việc trì hoãn sử dụng thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh biến chứng.

Thuốc được sử dụng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Các phản ứng mẫn cảm bao gồm phản ứng phản vệ, sốt cấp tính, bệnh huyết thanh có thể xảy ra.

Vì vậy, hết sức thận trọng khi dùng thuốc kháng độc tố bạch hầu cho những người có tiền sử dị ứng và/hoặc trước đây có biểu hiện mẫn cảm. Cần chuẩn bị sẵn adrenalin và các biện pháp hỗ trợ khác để xử trí ngay phản ứng phản vệ nếu xảy ra.

3.2. Thuốc kháng sinh

Việc điều trị bằng kháng sinh thường có hiệu quả trước khi vi khuẩn bắt đầu giải phóng độc tố vào máu. Nó mang lại những lợi ích như: Giảm lượng độc tố thải ra trong máu; Ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong nhiễm trùng bạch hầu là erythromycin và penicillin. Linezolid và vancomycin cũng được sử dụng trong trường hợp kháng kháng sinh. 

Bệnh nhân nên tuân thủ một đợt kháng sinh đầy đủ theo lời khuyên của bác sĩ để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn.
3.3. Các loại thuốc khác

Các loại thuốc khác như corticosteroid, thuốc kháng histamine hoặc adrenaline để giảm bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào với thuốc kháng độc tố được sử dụng.

Cách hiệu quả duy nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu thanh quản là tiêm chủng chủ động cho tất cả trẻ em.
Cách hiệu quả duy nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu thanh quản là tiêm chủng chủ động cho tất cả trẻ em.

4. Lưu ý người bệnh

- Ăn theo chế độ ăn mềm: Bệnh bạch hầu thanh quản gây đau họng và khó nuốt. Tốt hơn là nên tiêu thụ thực phẩm mềm và lỏng.

- Cách ly: Vì bệnh rất dễ lây lan nên cần phải cách ly bệnh nhân để giảm sự lây lan của bệnh.

- Giữ gìn vệ sinh: Những người chăm sóc bệnh nhân phải được duy trì vệ sinh nghiêm ngặt. Cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đặc biệt là trước khi nấu thức ăn và chăm sóc bệnh nhân.

- Tiêm phòng: Việc tiêm phòng cũng cần thiết đối với bệnh nhân đã khỏi bệnh bạch hầu vì bệnh cũng có thể xảy ra lần nữa. Những người chăm sóc và những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân cũng nên tiêm một liều vaccine tăng cường.

- Nghỉ ngơi đầy đủ: Sự phục hồi của bệnh nhân nhìn chung chậm, đặc biệt nếu nhiễm trùng nặng nên nghỉ ngơi hợp lý. Việc gắng sức có thể có hại nếu bệnh đã ảnh hưởng đến tim.

5. Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu thanh quản

Cách hiệu quả duy nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu thanh quản là tiêm chủng chủ động cho tất cả trẻ em. Vaccine bạch hầu đơn kháng nguyên không có sẵn. Vaccine này thường được tiêm kết hợp với các loại vaccine khác như DPT (Bạch hầu + Ho gà + Uốn ván) DPT được khuyến cáo là 5 liều. Ba liều được tiêm vào lúc 6, 10 & 14 tuần và hai liều tăng cường: Liều thứ nhất khi trẻ được 16 - 24 tháng và liều thứ hai khi trẻ được 5 - 6 tuổi.

Nên tiêm một liều tăng cường vaccine chứa giải độc tố uốn ván và bạch hầu cho người lớn đã hoàn thành đợt tiêm chủng cơ bản và nếu lần tiêm chủng cuối cùng đã được tiêm cách đây trên 10 năm.

Theo SKĐS

  

Xuất bản lúc: 08:23, 09/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.