Thông tin về ca nhiễm cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam

08:34, 08/04/2024
.

Nam bệnh nhân 37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, được bệnh viện địa phương chuyển đến TP.HCM điều trị với chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá trên nền loét dạ dày, xơ gan, nhiễm trùng huyết.

Sáng 7/4, Trung tâm Kiểm sóat bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thông tin thêm ca bệnh nhiễm cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên trên cả nước.

Trước đó, bệnh nhân nam (37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) làm thợ hồ. Bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm, kết quả, dương tính cúm A.

Ngày 1/4, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gien do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện, kết quả là bộ gien của virus cúm A/H9N2.

HCDC cho biết điều tra dịch tễ ghi nhận bệnh nhân sinh sống và làm việc gần nhà, chưa từng tiêm phòng vắc-xin cúm và vắc-xin phòng COVID-19. Đối diện nhà bệnh nhân là nhà người thân có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm. Bệnh nhân không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm.

Hiện tại, tình hình sức khỏe của những người trong gia đình đều khỏe mạnh. Đồng thời, cũng chưa ghi nhận gia cầm chết hay biểu hiện bất thường ở khu vực bệnh nhân sinh sống. Riêng người bệnh đang được cách ly điều trị, hiện chưa rõ nguồn lây bệnh.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế về cúm gia cầm. Bên cạnh đó, theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân.

Sở Y tế chỉ đạo HCDC báo cáo Viện Pasteur TP.HCM và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra dịch tễ, đặc biệt là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh, cũng như theo dõi và hướng dẫn những người thân tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn.

Ngoài ra, chia sẻ thông tin cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM để thực hiện báo cáo và giám sát đàn gia cầm, vật nuôi.

Ngành y tế khuyến cáo virus cúm có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua giọt bắn hoặc qua đường không khí. Biện pháp phòng bệnh vẫn là tiêm vắc-xin cúm hàng năm để phòng lây nhiễm các virus cúm đang chiếm ưu thế. Đồng thời, mỗi người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh sau khi tiếp xúc với vật nuôi…, ăn chín uống sôi, không sử dụng sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Đối với người già và người có bệnh lý nền cần theo dõi sát sức khỏe bản thân, điều trị ổn định bệnh lý nền , nâng cao sức đề kháng để chống lại bệnh. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được xử lý đúng quy định.

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP, Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus cúm là một họ virus lớn gồm 4 type A, B, C và D. Trong đó nhóm A và B thường gây những vụ dịch cúm mùa trên người, đặc biệt cúm A có thể gây ra những đại dịch cúm trên thế giới. Trong khi đó, cúm C thì chỉ gây bệnh nhẹ trên người và không thành dịch, còn cúm D chỉ gây bệnh trên động vật.

Cúm A/H9N2 là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Từ sau khi ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện virus rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác và vẫn cần được quan tâm giám sát, dự phòng.

Theo NLĐO

   
   

Xuất bản lúc: 08:34, 08/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.