(Baoquangngai.vn)- Tự ý bẻ gai trong vườn nhà để chích, nặn vết thương đang mưng mủ, ông V.Q.T (49 tuổi), ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) bị nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, vào 15 giờ ngày 27/12/2023, bệnh nhân V.Q.T nhập viện trong tình trạng bàn chân trái sưng to, xuất hiện nhiều bọng nước và da chỗ bọng nước có màu đen. Sau khi được y, bác sĩ hội chẩn, xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, bệnh nhân T được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tối cùng ngày.
Tại bệnh viện, chân trái bệnh nhân tiếp tục sưng đỏ, lan từ bàn chân lên đến bẹn. Tình trạng da bị phồng rộp, xuất hiện bọng nước lúc đầu chỉ xuất hiện ở bàn chân trái, sau đó, lan lên toàn bộ cẳng chân trái. Tình trạng da ở vị trí phồng rộp chuyển sang màu đen ngày càng nhiều.
Trong khi đang làm việc trên đồng ruộng, bệnh nhân V.Q.T bị vết thương hở ở ngón chân. Hai ngày sau đó, vết thương mưng mủ, khiến bệnh nhân đau nhức. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để thăm khám, bệnh nhân lại tự ý bẻ gai trong vườn nhà để chích, nặn vết thương đang bị mưng mủ. Cho đến khi bàn chân trái sưng to, xuất hiện bọng nước và da chỗ bọng nước đen lại, bệnh nhân mới vào viện.
Lúc này, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng máu, suy gan, thận và diễn biến bệnh ngày càng trở nặng. " Để cứu bệnh nhân, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành lọc máu liên tục kết hợp sử dụng kháng sinh. Từ đó, tình trạng nhiễm trùng máu của bệnh nhân dần cải thiện, chức năng gan, thận của bệnh nhân được phục hồi”, bác sĩ Đào Ngọc Tân, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (BVĐK tỉnh) chia sẻ.
Bác sĩ Đào Ngọc Tân thăm khám cho bệnh nhân V.Q.T. |
Sau gần nửa tháng điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sức khỏe bệnh nhân T dần hồi phục. Chân trái bệnh nhân không còn tình trạng sưng đỏ. Các vết phồng rộp đã được cải thiện. Ngày 9/1/2024, bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bỏng để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Đào Ngọc Tân, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (BVĐK tỉnh) khuyến cáo, khi làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với đất và nguồn nước bẩn, mọi người cần sử dụng đồ bảo hộ lao động. Nếu bị thương khi đang tiếp xúc trực tiếp với đất, nguồn nước bẩn, người bệnh cần xử trí đúng cách. Cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn và nếu thấy có các dấu hiệu như vết thương mưng mủ, cơ thể sốt cao, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các vật nhọn để chích, nặn vết thương đang mưng mủ.
Tin, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: