Cách khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ

13:56, 22/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Biếng ăn ở trẻ là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ, phổ biến trong độ tuổi từ 1 - 6 tuổi. Trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, dễ bị bệnh, trí não chậm phát triển... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Trong đó, có 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là trẻ biếng ăn do bị bệnh. Phần lớn trẻ em khi bị bệnh thường sẽ biếng ăn. Nguyên nhân thứ hai, trẻ biếng ăn liên quan đến dinh dưỡng. Trẻ thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu protein, kẽm, kali; trẻ bị còi xương; cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối; thức ăn chế biến không đa dạng, không hợp khẩu vị của trẻ; trẻ ăn uống không đúng giờ; cho trẻ ăn vặt nhiều trước khi ăn bữa chính...

Bác sĩ CKI Trần Thị Yến Loan, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết, khi trẻ biếng ăn sẽ có biểu hiện như trẻ ăn lâu, thời gian cho mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút; trẻ ăn không có cảm giác ngon miệng, ăn rất ít so với bình thường, hoặc chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định; thường phá quấy trong giờ ăn, la khóc...

Để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ, cha mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Không nên ép buộc trẻ phải ăn khi trẻ không muốn, vì điều này chỉ gây ra tác dụng ngược. Các biện pháp như đe dọa, la mắng... đều khiến tình trạng biếng ăn của trẻ ngày càng trầm trọng hơn.

Các bậc cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ thực đơn đa dạng thức ăn và trình bày bữa ăn đẹp mắt. Trong mỗi bữa ăn nên có ít nhất một món ăn mà trẻ thích, điều này kích thích sự thèm ăn của trẻ. Chia khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ thành những bữa ăn nhỏ. Cho trẻ ăn bữa ăn nhẹ vào các bữa phụ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe như sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt...

Không cho trẻ uống quá nhiều nước trước và trong khi ăn. Nếu muốn tập cho trẻ ăn món ăn mới, hãy cho ăn vào bữa sáng, đây là khoảng thời gian trẻ có cảm giác đói nhất trong ngày và có thể sẵn sàng ăn thử một món ăn mới. Khi trẻ đã chịu ăn, có thể chuyển món ăn vào thực đơn dành cho bữa trưa hoặc bữa tối và chế biến món mới khác vào bữa sáng tiếp theo. Cho trẻ ăn đúng giờ và nên cho trẻ ăn cùng gia đình, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ giúp bé ăn ngon miệng hơn. Cho trẻ ăn trong thời gian 30 - 45 phút.

Sắp xếp hợp lý khoảng cách giữa các bữa ăn cho trẻ: 2 bữa ăn chính nên cách nhau khoảng 3 - 4 giờ, bữa ăn chính cách bữa ăn phụ khoảng 2 giờ. Khuyến khích trẻ cùng vào bếp phụ mẹ nhặt rau, rửa rau, dọn bàn ăn cho cả nhà... nhằm kích thích bé muốn ăn những món mà bé đã phụ nấu. Không nên cho bé dùng điện thoại, đồ chơi, xem tivi hay dùng các thiết bị công nghệ khác trong khi ăn.

Ngoài ra, cho trẻ vận động hằng ngày phù hợp lứa tuổi như đi bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá bóng... Nếu trẻ còn nhỏ thì massage cho trẻ, điều này giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn, góp phần hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa. Điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo không khí vui vẻ, thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Các bậc cha mẹ cần lưu ý, nếu trẻ biếng ăn do bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp. 

Bài, ảnh: MINH HIỀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 13:56, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.