Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

14:20, 23/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Nơi ươm mầm hạnh phúc

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã tham mưu xây dựng Đề án thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Khoa Hiếm muộn, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trước đó, từ tháng 10/2019, BVSN tỉnh đã triển khai phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Khoa Hiếm muộn đạt được những thành công ban đầu.

Bác sĩ Bệnh viện Sản -  Nhi tỉnh siêu âm tim cho bệnh nhi.
Bác sĩ Bệnh viện Sản -  Nhi tỉnh siêu âm tim cho bệnh nhi.

Bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh - Phó Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết, đến nay, BVSN tỉnh đã thực hiện 380 chu kỳ thụ tinh nhân tạo, trong đó thành công 67 trường hợp (đạt 16,7%), cao hơn so với tỷ lệ thành công trung bình từ 13 - 15%. Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân đến khám, tư vấn tại bệnh viện, khoảng 30% bệnh nhân thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, còn lại 60 - 70% bệnh nhân phải thực hiện IVF. Song để thực hiện kỹ thuật IVF, bệnh nhân phải lên tuyến trên, di chuyển xa, vất vả.

Để nâng cao hiệu quả điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng kỹ thuật IVF, BVSN tỉnh đã cử bác sĩ Đoàn Tôn Lĩnh tham gia nhiều khóa học đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật IVF tại Bệnh viện Mỹ Đức và Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). “Chúng tôi kỳ vọng khi kỹ thuật IVF được triển khai sẽ giúp các cặp vợ chồng được khám, chữa bệnh hiếm muộn tại tỉnh nhà. Việc tư vấn, theo dõi, quản lý thai kỳ cho các cặp vợ chồng thuận lợi hơn vì bệnh nhân không phải di chuyển nhiều, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian”, bác sĩ Lĩnh chia sẻ.

Triển khai nhiều kỹ thuật cao

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hiện có 29 khoa, phòng, với khoảng 600 cán bộ, viên chức, người lao động. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhập từ 400 - 600 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Dù chỉ mới thành lập 6 năm, nhưng với sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, BVSN tỉnh đã trở thành cơ sở y tế được nhiều bệnh nhân lựa chọn.  

Một trong những kỹ thuật chuyên sâu được BVSN tỉnh triển khai là chẩn đoán, tầm soát, siêu âm tim. Từ năm 2022, bệnh viện triển khai sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nhu cầu; theo dõi sau mổ đối với các bệnh nhân mổ tim có nhu cầu tái khám tại bệnh viện. Để triển khai các kỹ thuật cao liên quan đến can thiệp tim mạch, BVSN tỉnh đã cử bác sĩ Nguyễn Lê Minh Thạnh (Khoa Nhi Nội tổng hợp) tham gia khóa đào tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh về can thiệp tim mạch nhi. Trước đó, bác sĩ Nguyễn Lê Minh Thạnh đã được đào tạo về nội tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đào tạo về siêu âm tim và mạch máu tại Viện Tim TP.Hồ Chí Minh và đào tạo về điện tim tại Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng đã cử bác sĩ Trương Thị Cẩm Hương (Khoa Cấp cứu) tham gia khóa đào tạo về thực hành siêu âm tim thai và bệnh lý tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh. “Siêu âm tim thai nhi là một kỹ thuật siêu âm chuyên biệt được thực hiện trong thời kỳ mang thai để đánh giá vị trí, kích thước, cấu trúc, chức năng và nhịp tim của thai nhi. Lợi ích của siêu âm tim thai nhi là chẩn đoán trước sinh bệnh tim bẩm sinh, cho phép em bé tiếp cận nhanh hơn với các can thiệp y tế và phẫu thuật sau khi sinh”, bác sĩ Hương cho biết. 

Giám đốc BVSN tỉnh Nguyễn Đình Tuyến cho biết, việc triển khai các kỹ thuật cao tại bệnh viện luôn được đội ngũ y, bác sĩ ủng hộ và quyết tâm thực hiện. Bên cạnh cử các bác sĩ đi đào tạo tại các bệnh viện lớn trong nước, mỗi năm BVSN tỉnh còn tổ chức 2 - 3 đợt đào tạo chuyên môn tại chỗ cho đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên; tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân.


Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:20, 23/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.