Nhằm đạt mục tiêu kép là bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách năng lượng mới, trong đó đáng chú ý là kế hoạch chiến lược tăng tốc phát triển điện hạt nhân.
![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Onagawa tại tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản, ngày 24/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết với thế giới, Chính phủ Nhật Bản cuối năm 2024 công bố chiến lược đặt mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí nhà kính vào năm 2035 và cắt giảm 73% vào năm 2040. Việc sử dụng nhiệt điện, nhất là từ các nhà máy điện chạy bằng than kém hiệu quả, sẽ giảm còn 30-40% tổng sản lượng điện vào năm 2040, từ mức 70% trong năm 2023. Năng lượng tái tạo được đề xuất nâng lên mức 40-50% nguồn cung cấp điện trong năm 2040, tăng gấp đôi so với mức 22,9% trong năm 2023. Chiến lược này đặt mục tiêu điện hạt nhân của Nhật Bản chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện vào năm 2040, từ mức 8,5% năm 2023.
Bên cạnh Net Zero thì an ninh năng lượng cũng là một mục tiêu chủ yếu trong chiến lược năng lượng mới của đất nước Mặt trời mọc. Nhật Bản đứng trước nhu cầu điện tăng mạnh do các hệ thống cốt lõi của các ngành kinh tế mũi nhọn ở quốc gia này như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) tiêu thụ điện năng rất lớn. Dự báo năm 2040, nhu cầu về điện của Nhật Bản sẽ tăng 12-22% so với mức năm 2023.
Sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, gần như tất cả các nước trên thế giới đều dừng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, do công nghệ sản xuất điện hạt nhân được nâng cấp mạnh mẽ, độ an toàn ngày càng được cải thiện và hầu như không gây phát thải, nhiều nước đã quyết định đảo ngược chính sách và hồi sinh năng lượng hạt nhân. Trong năm qua, nhiều nước đồng loạt thực hiện bước chuyển chiến lược quan trọng là tăng tốc phát triển điện hạt nhân, nhằm đạt mục tiêu kép là bảo đảm an ninh năng lượng và Net Zero vào năm 2050.
Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, điện hạt nhân hiện đóng góp hơn 10% tổng sản lượng điện toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng phục vụ phát triển kinh tế tại nhiều nước. Nhiều "ông lớn" công nghệ như Google, Microsoft, Amazon đều đang đầu tư vào năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng khổng lồ trong cuộc đua phát triển AI vì tính ổn định của nguồn cung từ điện hạt nhân. Không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng, điện hạt nhân còn là công cụ quan trọng để các nước thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng về môi trường và khí hậu, vì nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy quá trình vận hành nhà máy điện hạt nhân hầu như không tạo ra khí nhà kính.
Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu hướng các nước khôi phục và tăng tốc phát triển năng lượng hạt nhân. Sau khoảng 10 năm gián đoạn kể từ sự cố tại nhà máy Fukushima, những năm gần đây, Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chủ trương phát triển điện hạt nhân. Sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn, nhiều lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Kế hoạch năng lượng mới của Nhật Bản xóa bỏ mục tiêu trước đó là giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, thay vào đó là tiến hành xây dựng nhiều lò phản ứng thế hệ mới, và tiến tới vận hành hết công suất 30 lò phản ứng điện hạt nhân vào năm 2040.
Kế hoạch này chắc chắn cần nguồn ngân sách rất lớn để đầu tư xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới với công nghệ hiện đại và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn cao, nhất là trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thường xảy ra động đất và sóng thần. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm khai thác điện hạt nhân cũng như những lợi ích nhiều mặt hiện tại và tương lai của ngành công nghiệp này, Nhật Bản quyết tâm không tụt lại trong cuộc đua phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
Theo Nhandan.vn