Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ với chủ đề "Một thế giới, một gia đình, một tương lai".
Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay hướng tới giải quyết các vấn đề đang nổi cộm hiện nay như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu cũng như hàn gắn những chia rẽ giữa các quốc gia.
(Ảnh: NDTV) |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi thế giới sửa chữa những thâm hụt trong niềm tin toàn cầu để có các giải pháp cho những vấn đề nhức nhối ngày nay như biến đổi khí hậu, an ninh mạng hay đứt gãy các chuỗi cung ứng. Theo ông Modi, "đây là thời điểm mà thế giới phải tìm ra những cách thức mới để giải quyết các vấn đề dai dẳng. Và để tiến lên phía trước, không có cách nào là phải cùng nhau bước đi".
G20 hiện chiếm 85% tổng sản lượng quốc nội toàn cầu, 75% dòng thương mại và 2/3 dân số thế giới. Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có sự tham dự của hơn 30 nguyên thủ quốc gia và quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu, cũng như những nước khách mời và 14 người đứng đầu các tổ chức quốc tế.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát đi lời mời của G20 tới Liên minh châu Phi để trở thành thành viên thường trực của cơ chế này, biến G20 có thể trở thành G21 từ năm tới.
Trước đó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, thế giới đang ở trong giai đoạn sự chia rẽ ngày càng gia tăng, căng thẳng bùng phát và niềm tin bị xói mòn. Do đó, các cuộc họp tại Thượng đỉnh G20 lần này được dự báo sẽ không ít khó khăn. Và mỗi tiếng nói chung đạt được dù nhỏ cũng đã có thể được xem là thành công. Mục tiêu mà nước chủ nhà Ấn Độ đang nỗ lực hơn cả lúc này là sẽ dẫn dắt Thượng đỉnh G20 ra được một tuyên bố chung, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề nghị 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cần truyền đi thông điệp mạnh mẽ về chống khủng hoảng khí hậu.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo G20 có khả năng chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang "vượt quá tầm kiểm soát", kêu gọi họ định hình lại các quy tắc tài chính toàn cầu mà ông mô tả là đã lỗi thời và không công bằng. Ông Guterres cho rằng G20 phải đi đầu trong việc duy trì thỏa thuận hạn chế khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5°C vào năm 2030.
Ông Guterres nhấn mạnh, các nước có mức phát thải lớn cần nỗ lực nhiều hơn để cắt giảm khí thải và các nước giàu phải đáp ứng những cam kết tài chính về khí hậu. Đồng thời, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi, các nước G20 cần đình chỉ những hoạt động liên quan đến cấp phép và tài trợ các dự án mới của chính phủ có sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo VTV.vn