Con đường của muối

10:43, 10/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ thời tiền sử, con đường muối được hình thành, gắn với người Sa Huỳnh cổ xưa trên vùng đất Quảng Ngãi.

Con đường thuở xưa... 

Cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã đạt đến trình độ đỉnh cao trong rèn luyện sắt, nấu đúc thủy tinh, và đương nhiên họ đã biết đến nghề làm muối từ rất sớm. Trong bản đồ phân bố các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, các địa điểm Sa Huỳnh quan trọng đều nằm gắn liền với cửa sông ra biển và cánh đồng muối. Trường hợp cụ thể đối chiếu với vùng Quảng Ngãi, cho thấy quan hệ gắn bó giữa nơi cư trú của người Sa Huỳnh với cửa sông, cửa biển và cánh đồng muối, đó là: Di tích Sa Huỳnh - cửa Sa Huỳnh - đồng muối Tân Diêm; di tích Bình Châu - cửa Sa Kỳ - đồng muối Diêm Điền (nay không còn); di tích Gò Quê - cửa Sa Cần - đồng muối Tuyết Diêm (nay không còn). Đây là bằng chứng khảo cổ phản ánh hoạt động sản xuất muối của người Sa Huỳnh, nơi đây trở thành đầu mối giao thương trên biển và vận chuyển theo đường sông lên các điểm Sa Huỳnh núi lan tỏa theo đường rừng đến các ngôi làng ở vùng núi xa xôi. Muối của cư dân Sa Huỳnh là phương tiện tương tác xã hội, là động lực giao lưu hai chiều xuôi - ngược. Trong rất nhiều sử liệu về sau, có thể nhìn thấy sản vật của vùng hạ bạn - điển hình là muối và thượng bạn với các loại lâm thổ sản là những mặt hàng chính yếu. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống giao thương xuôi - ngược từ Sa Huỳnh đến Chămpa, rồi Đại Việt.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).  		 ẢNH: MINH THU
Cánh đồng muối Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). ẢNH: MINH THU

Dọc theo miền Trung có các con đường muối nổi tiếng, riêng ở Quảng Ngãi có những con đường muối cùng hàng hóa giao thương như: Con đường trục sông Trà Bồng lên vùng người Cor, trên trục này có chợ nguồn Đà Bồng; con đường trục sông Trà Khúc lên vùng người Hrê, Ca Dong, trên trục này có chợ nguồn Đồng Ké. Hay con đường trục sông Vệ lên vùng người Hrê ở Ba Tơ, trên trục này có chợ nguồn Ba Tư. Trục sông Phước Giang lên vùng Hrê ở Minh Long gắn với chợ phiên Tam Bảo. Con đường muối từ Sa Huỳnh - chợ Cung - Ba Khâm - Ba Trang - đèo Viôlắc lên Tây Nguyên. Con đường muối từ Sa Huỳnh - An Lão - La Vuông lên vùng người Chăm Hroi. Các điểm chợ nguồn, từ đây đồng bào miền núi sẽ đưa muối vào gùi rồi mang đến các làng xa xôi theo những con đường rừng.

Ở Quảng Ngãi, muối của các vùng đồng muối Tân Diêm, Diêm Điền, Tuyết Diêm xuất cảng theo đường biển rất mạnh. Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác đã thống kê từ năm 1929, 1930, 1931 lượng muối xuất khẩu qua các sở Thương chính như sau: Sở Thương chính Sa Huỳnh năm 1929 xuất khẩu 1094,900 tấn; 1930: 7634,250 tấn; 1931: 2636,550 tấn. Sở Thương chính Sơn Trà: Năm 1929 xuất khẩu 32,500 tấn; 1930: 32,500 tấn; 1931: 33,326 tấn. Sở Thương chính Cổ Lũy xuất khẩu năm 1930 là 61 tấn; năm 1931: 40 tấn. Qua số liệu thống kê trong 3 năm của tài liệu trên đã phản ánh lượng muối ở Quảng Ngãi xuất khẩu qua đường biển rất lớn, trong đó lượng muối xuất khẩu lớn nhất vẫn là tại Sa Huỳnh. Từ đó cho thấy trước đây nghề muối Sa Huỳnh phát triển rất phồn thịnh.

Bức tranh giao thương trên con đường muối từ tiền sử đến hiện đại như huyết mạch dẫn về tim, muối giữ vai trò quan trọng trong sự kết nối của xã hội người Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt với vùng các cộng đồng người ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên.

...và nay

 Vai trò hiện nay của nghề muối đối với du lịch cộng đồng và phát huy không gian văn hóa Sa Huỳnh, đó là hướng dẫn du khách tham gia vào các hoạt động trải nghiệm làm muối. Du khách sẽ rất thích thú khi được trải nghiệm các quy trình sản xuất muối, ở đó họ học hỏi cách thức sản xuất muối biển, những tri thức dân gian, kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng. Từ đó nâng cao vai trò, vị trí của nghề muối trong hoạt động du lịch, làm sao hạt muối không còn là giá trị thương phẩm thuần túy, mà được cộng thêm giá trị văn hóa. Có như vậy, các làng muối mới có cơ hội hồi sinh và phát triển.

Hiện nay, nghề làm muối thủ công vẫn có ưu thế tạo nên một dạng muối biển trắng tinh khiết dành cho người sành ăn. Đặc biệt là hoa muối, là tinh thể muối mà theo tri thức địa phương, hoa muối chỉ hình thành vào những ngày nắng nóng khi gió thổi từ phía đông của biển. Hoa muối một sản phẩm tự nhiên chứa tất cả các nguyên tố vi lượng và vi chất dinh dưỡng được tìm thấy trong biển, đồng thời là nguồn cung cấp kali, canxi, đồng, kẽm và magiê tự nhiên. Sản phẩm hoa muối có màu trắng đậm, có độ giòn cứng cấu trúc tinh thể và độ ẩm cao, tạo cho nó một đặc tính khác biệt.

Làng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh và là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này. Truyền thống làm muối biển liên tục kéo dài từ Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt không bị đứt quãng, yếu tố quyết định đó là con người với tri thức sản xuất nghìn đời truyền lại. Bảo tồn các di tích kiến trúc tín ngưỡng liên quan đến nghề làm muối. Phát huy các hoạt động lễ hội muối một cách thường niên. Qua đó, tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách về hiện tại, quá khứ lịch sử của nghề làm muối biển Sa Huỳnh.

Yếu tố quan trọng đầu tiên là con người làng muối được tổ chức gắn kết trong mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng, với các giá trị tri thức bản địa truyền lại cho thế hệ tiếp nối được phát huy trong du lịch cộng đồng. Không gian sinh tồn của làng muối Sa Huỳnh cần được bảo tồn tính nguyên vẹn của nó, hạn chế các xung đột về đô thị hóa, các hiểm họa về môi trường ô nhiễm. Nâng cao chất lượng sản phẩm muối Sa Huỳnh và đa dạng hóa sản phẩm muối, phát huy được muối Sa Huỳnh là sản phẩm du lịch cộng đồng, hạt muối không còn là thương phẩm nữa mà được cộng thêm giá trị văn hóa. Tuy nhiên, để tăng thêm giá trị nghề muối biển Sa Huỳnh truyền thống nằm trong vùng khảo cổ của văn hóa Sa Huỳnh cần có các cuộc khai quật khảo cổ, để làm rõ những di tích, di vật liên quan đến nghề làm muối của người Sa Huỳnh xưa.

BẢO CHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:43, 10/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.