(Báo Quảng Ngãi)- “Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.
Nhớ mãi mùa xuân 1945
Mùa xuân 2025 là tròn 80 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 - 11/3/2025). Đây là một cuộc khởi nghĩa lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Với chúng tôi, câu chuyện của 80 năm trước chỉ biết qua sử sách, nên khi được trò chuyện với một đội viên Đội Du kích Ba Tơ năm xưa thì thật sự vinh dự. Người đội viên ấy là Đại tá Thân Hoạt - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng). Đại tá Thân Hoạt sinh năm 1927, ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), hiện gia đình ông sinh sống tại quận Ba Đình (Hà Nội).
Như đã hẹn, đúng 15 giờ chiều một ngày cuối năm 2024, chúng tôi đến thăm Đại tá Thân Hoạt khi ông vừa vinh dự đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. “Giờ mình già rồi, nhiều chuyện không nhớ hết, nhưng kỷ niệm đẹp về Đội Du kích Ba Tơ năm xưa thì không thể nào quên”, đại tá Hoạt chia sẻ. Rồi ông chậm rãi kể lại những tháng ngày đẹp đẽ, cũng là sự khởi nguồn dẫn dắt ông đi theo cách mạng, tận hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Mỗi ngày, Đại tá Thân Hoạt đều được vợ mình là bà Trần Thị Ái đo huyết áp, ghi nhật ký theo dõi để có chế độ chăm sóc sức khỏe cho ông phù hợp. |
Đại tá Thân Hoạt kể, tôi không phải là đội viên đầu tiên của Đội Du kích Ba Tơ, mà sau này mới được kết nạp vào đội. “Năm 1945, khi tôi 18 tuổi, Nhật đảo chính Pháp, rồi Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra. Khi đó, tôi thôi học, tham gia du kích xã. Một hôm, đồng chí Nguyễn Đôn về công tác ở xã, gặp tôi, thấy tôi nhanh nhẹn, từng được đi học, đồng chí đưa tôi vào Đại đội Hoàng Hoa Thám, là một trong hai đại đội được phát triển từ Đội Du kích Ba Tơ. Tôi được phân công làm ở tạp chí mang tên Xung Phong của Đội Du kích Ba Tơ”, ông Hoạt tiếp lời.
Tạp chí Xung Phong chỉ có 3 người, viết tay rồi in bằng thạch, ra hằng tháng, mỗi số chỉ 10 trang bằng bàn tay và số lượng có 10 bản. Nội dung của tạp chí xoay quanh kinh nghiệm tổ chức du kích, điều lệnh kỷ luật của du kích Ba Tơ. “Khi ấy tôi phụ trách chính Tạp chí Xung Phong, các đồng chí lãnh đạo hay gọi đùa tôi là Tổng Biên tập tạp chí”, ông Hoạt cười nói.
Lịch sử khắc ghi ngày 11/3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp 2 ngày, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, những chiến sĩ cách mạng bị giam ở Căng an trí và nhân dân trong vùng đã vùng lên tấn công địch và đã giành thắng lợi. Ngày 14/3/1945, Đội Du kích Ba Tơ được thành lập do đồng chí Phạm Kiệt làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Đôn làm chính trị viên; toàn đội có 28 người và 24 khẩu súng. Để đảm bảo an toàn, Đội Du kích Ba Tơ di chuyển về vùng núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ) để lập căn cứ, tránh sự truy lùng của quân Nhật. Tháng 5/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Nguyễn Chánh, Tỉnh ủy viên về trực tiếp lãnh đạo đội. Với tầm nhìn của nhà hoạt động cách mạng nhiều kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Chánh chủ trương đưa Đội Du kích Ba Tơ về vùng đồng bằng, đứng chân ở Núi Lớn (Mộ Đức) và Vĩnh Tuy (Sơn Tịnh).
Đây là bước chuyển rất quan trọng, mang tầm chiến lược của Đội Du kích Ba Tơ. Từ 28 người, du kích Ba Tơ phát triển lớn mạnh thành hai đại đội là Đại đội Phan Đình Phùng ở Chiến khu Vĩnh Sơn, Vĩnh Tuy, huyện Sơn Tịnh và Đại đội Hoàng Hoa Thám ở Chiến khu Núi Lớn, huyện Mộ Đức. Đi đến đâu, du kích Ba Tơ cũng nhận được sự giúp đỡ của nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong kháng chiến. Nhiều thành viên của Đội Du kích Ba Tơ sau này trở thành những tướng lĩnh tài ba của quân đội như Nguyễn Chánh (Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng); Phạm Kiệt (Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng); Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)...
Biết ơn cách mạng
Sau năm 1954, ông Thân Hoạt tập kết ra Bắc, công tác tại Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng). Ông từng giữ chức vụ Trung đoàn phó trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 ở mặt trận Thừa Thiên - Huế; có giai đoạn ông làm thư ký cho Đại tướng Hoàng Văn Thái, rồi giảng viên Học viện Quốc phòng... Trước khi rời quân ngũ, Đại tá Thân Hoạt là Phó Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng). Sống một cuộc đời gần trọn thế kỷ, trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... nhiều phen vào sinh ra tử, Đại tá Thân Hoạt bảo rằng ông luôn “biết ơn cách mạng, biết ơn cuộc đời”, vì đã ban cho ông nhiều thứ quý giá. Món quà đầu tiên quý giá nhất là được làm đội viên Đội Du kích Ba Tơ. Cũng từ đây, ông đã tìm ra chân lý cuộc đời, sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng cao đẹp; và cũng từ đây ông tìm được người vợ tào khang, cùng ông chăm lo binh nghiệp vẹn toàn, gia đình hạnh phúc.
Núi Cao Muôn (Ba Tơ). Ảnh: TƯ LIỆU |
Đại tá Thân Hoạt kể rằng, khi bắt đầu vào Đại đội Hoàng Hoa Thám, hoạt động tại vùng Núi Lớn, tôi đã gặp người con gái trong làng là Trần Thị Ái xinh đẹp, nết na và đã mạnh dạn ngỏ lời hẹn ước. “Tôi thấy bà nhà tôi duyên dáng và đảm đang, lại là con nhà cách mạng, tôi chấm và ngỏ lời ngay. Bà ấy đặt điều kiện cho tôi là phải ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến, trở thành thanh niên tốt thì bà mới đồng ý làm vợ. May mắn là sau năm 1954, hai chúng tôi cùng được cử ra Bắc. Năm 1957, tôi tiếp tục được cử đi học ở một trường quân đội bên Liên Xô; còn bà ấy học phổ thông, rồi vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1961, kết thúc 4 năm học ở Liên Xô, ông Hoạt được cấp bằng tốt nghiệp loại giỏi và được tặng thưởng. "Tháng 10/1961, chúng tôi làm đám cưới. Đám cưới đơn sơ, chỉ có bánh kẹo và những tràng vỗ tay chúc mừng của đồng đội, người thân, nhưng vinh dự lớn lao là được đồng chí Phạm Kiệt đứng ra làm chủ hôn. Nếu tính cả thời gian chúng tôi gặp nhau, ngỏ lời hẹn ước thì đến nay đã tròn 70 năm. Còn nếu tính từ ngày cưới, chính thức nên vợ chồng thì chúng tôi bên nhau cũng gần 65 năm rồi”, bà Ái chia sẻ.
Bưng chén trà nóng mà vợ vừa rót cho mình, Đại tá Thân Hoạt nhấp một ngụm, rồi chậm rãi nói với chúng tôi những gì ông có được trong cuộc đời là nhờ có công lớn của vợ. “Hôm đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho tôi, tôi có hứa sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, để đón nhận huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Tôi tự tin hứa thế là bởi bên tôi luôn có vợ đồng hành, cùng tôi quyết tâm thực hiện lời hứa ấy”, Đại tá Thân Hoạt chia sẻ với chúng tôi trong niềm vui, hạnh phúc và cả lòng biết ơn người vợ hiền Trần Thị Ái đã luôn ở bên ông.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: