(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Hội Luật gia tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác này và tích cực trợ giúp pháp lý cho người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Hà Văn Huy cho biết, trong những năm qua, hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là, từ khi có Luật PBGDPL, hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực này của hội Luật gia các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Hội Luật gia tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng đối tượng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Hà Văn Huy phổ biến pháp luật cho người dân xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa). Ảnh: PV |
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội Luật gia tỉnh những năm qua là thực hiện thành công Đề án Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2014 - 2016 và 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội đã đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, Thường trực Hội Luật gia tỉnh luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Hội Luật gia Việt Nam, của tỉnh để tuyên truyền PBGDPL. Trong tuyên truyền, các cấp hội giữ vai trò nòng cốt; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 3.505 đợt tuyên truyền, PBGDPL, với trên 448 nghìn lượt người tham dự.
Theo luật gia Hà Văn Huy, trong tuyên truyền, PBGDPL, Hội Luật gia tỉnh yêu cầu các chi hội luật gia như Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Trường Đại học Tài chính - Kế toán, hội luật gia các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ban giám hiệu các trường THPT, các huyện, thị, thành đoàn và UBND cấp xã tổ chức 15 phiên tòa giả định để đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, thu hút hơn 5.400 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Ban Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 14 đợt phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 131 người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Đây là hoạt động thiết thực, mang giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các đối tượng đã vi phạm pháp luật hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, tự ti khi về với gia đình, xã hội.
Ngoài ra, Hội Luật gia tỉnh đã biên soạn 104 nghìn tờ gấp, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác tuyên truyền. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cũng được Hội Luật gia tỉnh đẩy mạnh. Thông qua trang tin điện tử, Hội Luật gia tỉnh đã tư vấn 6.924 vụ, việc và tham gia hòa giải thành 5.838 vụ, việc.
Để đưa kiến thức pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chọn các luật cần phổ biến ở các huyện miền núi để tổ chức tuyên truyền. Qua đó, Hội Luật gia tỉnh biên soạn nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp); phối hợp với Đài PT-TH tỉnh dịch tài liệu sang các tiếng Hrê, Cor để phát trên sóng truyền hình, đưa kiến thức pháp luật đến với người dân.
BÁ SƠN