(Báo Quảng Ngãi)- Trước mỗi vụ mùa khai thác ốc gạo tại vùng biển xã Đức Minh (Mộ Đức), Đồn Biên phòng Đức Minh (BĐBP tỉnh) tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật đến ngư dân. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp ngư trường trên biển.
Từ trước đến nay, khu vực bãi ngang ven biển thuộc huyện Mộ Đức là ngư trường khai thác hải sản gần bờ của ngư dân các xã trong vùng. Trong đó, một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: Ốc gạo, mực, cá trích... mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Việc khai thác ốc gạo nói riêng và khai thác các loại hải sản nói chung của ngư dân trên địa bàn thường diễn ra theo mùa vụ. Ông Nguyễn Văn Sang, ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh cho biết, những ngày vào vụ, mỗi chuyến đi biển của hai cha con tôi chừng 5 - 6 giờ đồng hồ, thu được 2 - 6 bao ốc gạo (1 tạ/bao). Dù nhu cầu mua ốc gạo cao, nhưng ngư dân vẫn tích cực bảo vệ ngư trường gần bờ, không sử dụng những hình thức khai thác tận diệt, hủy hoại môi trường.
![]() |
Cán bộ Đồn Biên phòng Đức Minh đến nhà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn xã Đức Minh (Mộ Đức). |
Ốc gạo được xem là "lộc biển" của ngư dân tại các địa phương khu vực ven biển. Trong đó, vùng biển xã Đức Minh là nơi có nhiều ốc gạo sinh sống. Nghề cào ốc gạo mang lại thu nhập cao. Trung bình mỗi ngày, ngư dân kiếm được được từ 2- 4 triệu đồng/người. Vì thu nhập cao nên xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, có đối tượng vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự.
Để đảm bảo ổn định ngư trường đánh bắt, không để xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, Đồn Biên phòng Đức Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về biển, đảo Việt Nam; phạm vi hoạt động, đánh bắt hải sản trên biển; Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản... Ngoài tuyên truyền tập trung, đơn vị đến từng nhà ngư dân vận động, tuyên truyền ngư dân chấp hành pháp luật, khai thác đánh bắt hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế.
Trung tá Hồ Văn Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đức Minh cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã thường xuyên tuần tra trên biển và trên bờ, kiểm soát các hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển thuộc địa bàn huyện. Đặc biệt, tăng cường công tác nắm bắt thông tin dư luận, phát hiện từ sớm, từ xa, từ trong bờ đối với những thông tin về nguy cơ xảy ra tranh chấp ngư trường khai thác hải sản, để kịp thời đấu tranh ngăn chặn; xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm (nếu có), nhằm đảm bảo ổn định ngư trường khai thác hải sản.
Trong thời gian tới, Đồn Biên phòng Đức Minh tiến hành lập chốt và phối hợp với Ban CHQS xã, Công an xã Đức Minh để cắt cử cán bộ, chiến sĩ trực, theo dõi chặt chẽ đối với ngư trường xung yếu, ngư trường khai thác ốc gạo có nguy cơ xảy ra tranh chấp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vấn đề liên quan. “Đơn vị thường xuyên theo dõi, quản lý các phương tiện ra vào Cửa Lở, xã Thắng Lợi, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các phương tiện không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia đánh bắt hải sản, để báo cáo kịp thời những sự vụ, sự việc xảy ra trên địa bàn quản lý về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND huyện, nhằm kịp thời chỉ đạo giải quyết, không để phát sinh "điểm nóng", gây mất an ninh trật tự tại địa phương”, Trung tá Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: