Lý do không nên để bình nhiên liệu cạn kiệt

08:41, 15/07/2024
.

Việc để bình nhiên liệu cạn kiệt nhiều lần sẽ gây ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn khi tham gia giao thông.

Làm hỏng bơm xăng của xe

Trong nhiều trường hợp, việc đổ xăng khi bình xăng khi gần cạn kiệt có thể làm hư hỏng bơm xăng của xe. Bơm xăng là bộ phận chính trong hệ thống bơm, nhiệm vụ của nó chính là truyền nhiên liệu từ bình xăng vào buồng đốt. Khi hoạt động trong tình trạng không đầy đủ nhiên liệu, nhiều chi tiết trong hệ thống này cũng sẽ bị hư hỏng theo thời gian, nhất là bộ phận lọc và mô tơ.

Việc để bình nhiên liệu cạn kiệt thường xuyên khiến động cơ bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh họa).
Việc để bình nhiên liệu cạn kiệt thường xuyên khiến động cơ bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, khi bình xăng cạn kiệt, bộ phận này cũng sẽ hút kèm theo các chất cặn bã để cung cấp cho động cơ. Điều này dẫn đến tình trạng động cơ bị ăn mòn, hiệu suất vì thế cũng kém đi.

Đồng hồ đo mức xăng thực tế không chính xác 100%. Thực tế, độ chính xác cảnh báo còn phụ thuộc vào hệ thống tiết kiệm xăng của xe và phong cách lái của tài xế. Do đó, bạn nên đổ khi bình xăng còn khoảng 1/4 để tránh gặp phải những rắc rối khi di chuyển. Nên đổ đầy bình (không đổ tràn) trước những chuyến đi dài hoặc đi vào những nơi đông dân cư, xe cộ.

Làm xe đột ngột chết máy

Việc để bình xăng cạn kiệt cũng sẽ gây ra nguy hiểm cho xe cũng như người ngồi trên xe. Khi không đổ đầy bình xăng và di chuyển trên đoạn đường đông, bình xăng cạn có thể làm xe chết máy đột ngột, gây ra nhiều hậu quả không mong muốn.

Thói quen xấu “lười đổ xăng” và tiếp tục di chuyển cho đến khi cạn kiệt rồi mới tiếp thêm nhiên liệu chính là nguyên nhân làm cho bình xăng bị đóng cặn lại đáy bình. Nếu vận hành xe liên tục trong thời gian dài, những bộ phận liên quan đến buồng đốt cũng hư hỏng theo.

Ảnh hưởng nặng nề đến động cơ xe

Lái xe khi bình xăng gần hết hoặc cạn kiệt gây ảnh hưởng xấu đến động cơ xe. Bộ lọc sẽ tắc nghẽn khi bị cặn bám vào, nhiên liệu vì thế không thể đến được buồng đốt. Bên cạnh đó, nó cũng làm tăng nguy cơ chất bẩn xâm nhập vào hệ thống này, gây ra sự cố trong đường ống xả và làm hư động cơ xe.

Các kim phun nhiên liệu sẽ bị tắc khi cặn bẩn bám vào một thời gian dài, dẫn tới hiện tượng phun nhiên liệu không tơi, không đều, ảnh hưởng tới quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới độ kín khít của buồng đốt, gây giảm hiệu suất của động cơ.

Chưa kể việc để bình nhiên liệu cạn kiệt trong một thời gian dài có thể dẫn tới gỉ sét bình chứa, gây bục và rò rỉ nhiên liệu. Lúc này nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy xe sẽ vô cùng cao.

Để đảm bảo an toàn và không gây hư hỏng cho các hệ thống, tài xế không nên chạy xe khi mức nhiên liệu còn quá thấp. Hãy luôn quan sát đồng hồ nhiên liệu và nạp thêm khi đồng hồ đã báo ở mức tối thiểu.

Theo VTC News

  

Xuất bản lúc: 08:41, 15/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.