(Báo Quảng Ngãi)- Dù có khởi đầu không mấy suôn sẻ, nhưng với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, anh Nguyễn Tấn Lực, ở thôn 2, xã Bình Hòa (Bình Sơn) và chị Mai Thị Hoa, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Họ là những tấm gương minh chứng cho lời dạy "Học không bao giờ cùng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giải pháp nâng cao năng suất lao động
Sau 3 năm nghiên cứu, sáng tạo, anh Nguyễn Tấn Lực, đã sáng chế và ứng dụng thành công máy đóng bầu đất tự động. Sản phẩm đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nhân công và tăng năng suất lao động.
“Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí - chế tạo máy Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa), tôi khởi nghiệp với nhiều nghề khác nhau như mở xưởng điêu khắc gỗ; sản xuất ống hút cỏ... Máy móc phục vụ trong quá trình sản xuất đều do tôi tự lên ý tưởng, chế tạo, lắp ráp. Tuy nhiên, năm 2021 vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nên các đơn hàng ống hút cỏ không thể xuất bán, đầu ra không ổn định. Tôi đành gác lại mô hình khởi nghiệp này”, anh Lực chia sẻ.
Anh Nguyễn Tấn Lực (bên phải), ở thôn 2, xã Bình Hòa (Bình Sơn), giới thiệu cho khách hàng máy đóng bầu đất tự động. |
Không nản chí, anh Lực quyết định về quê trồng keo trên mảnh đất của gia đình. Khi đến tận vườn ươm, anh Lực nhận thấy thực tế công nhân phải làm việc hết năng suất mà vẫn không đáp ứng nhu cầu đóng bầu cây giống. Từ đó, ý tưởng nghiên cứu sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp bắt đầu nhen nhóm trong anh Lực.
Anh Lực bắt đầu nghiên cứu tài liệu, giáo trình cơ bản rồi tự mày mò chế tạo từng bộ phận, lắp ráp chúng lại với nhau. Bên cạnh vấn đề về mặt kỹ thuật, anh Lực còn tính toán thử nghiệm xác định lực ép hợp lý của máy để tạo ra sự liên kết các thành phần nguyên liệu gồm đất, giá thể nghiền, phân vi sinh... tạo ra bầu ươm có kết cấu bền vững, không bị nứt vỡ khi vận chuyển và rễ cây phát triển tốt.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh Lực đưa máy ra vườn ươm keo chạy thử để đánh giá hiệu quả và khắc phục những nhược điểm. Qua 3 năm thử nghiệm thành công, đến đầu năm 2024, anh Lực chính thức đưa máy đóng bầu đất tự động ra thị trường với giá bán dao động từ 150 - 170 triệu đồng/máy. Ngay sau khi ra mắt, nhiều nhà vườn tìm đến đặt hàng. Sản phẩm trở thành trợ thủ đắc lực của nông dân, giúp công việc đóng bầu trở nên nhanh chóng và hiệu quả, với công suất từ 5.000 - 6.000 bầu/giờ, đồng thời vẫn tạo ra được các sản phẩm bầu đất chất lượng, đồng đều. “Khó khăn nhất là về mặt tinh thần. Ngoại trừ gia đình ra, ban đầu có nhiều người còn hoài nghi về tính ứng dụng của máy. Nhưng vì có gia đình ủng hộ, nên tôi cố gắng vượt qua, giữ vững lập trường, đam mê của mình để thực hiện ý tưởng đến cùng”, anh Lực nói.
Với nhiều tính năng ưu việt, sản phẩm máy đóng bầu đất tự động của anh Lực được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng. Điều khiến khách hàng ấn tượng là anh Lực sẵn sàng hướng dẫn hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi, đồng thời, luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến khách hàng để cải thiện, hoàn thiện máy móc. Hiện tại, sản phẩm đang được anh Lực tiến hành các thủ tục cần thiết, để được cấp sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Quang Thực, chủ một vườn ươm tại xã Bình Hiệp (Bình Sơn), đến xưởng của anh Lực tìm hiểu và đặt mua máy đóng bầu đất tự động. Ông Thực không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng tạo và đầy ắp niềm đam mê của anh. “Tôi biết đến sản phẩm này cách đây hơn 1 năm, tuy nhiên lúc ấy sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm. Khi biết cơ sở sản xuất máy thương mại, vợ chồng tôi quyết định đặt hàng. Sản phẩm này phục vụ đóng bầu đất, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực”, ông Thực cho biết.
Khó khăn không nản lòng
Công nghệ số đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của người dân ở khắp các vùng miền, nhất là đối với người lớn tuổi, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chị Mai Thị Hoa, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) chăm sóc vườn bưởi phục vụ dịp tết Nguyên đán 2025. |
Chị Mai Thị Hoa nhớ lại, hơn 6 năm trước, tôi bắt đầu bén duyên với mô hình trồng cây ăn quả. Trước đó, tôi đã đi tham quan mô hình vườn cây ăn quả ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Rồi tôi được địa phương hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Thế nhưng lúc đầu, tôi vẫn gặp nhiều khó khăn, cây bưởi chết hàng loạt vì không có nước. Dù vậy, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm gắn bó với mảnh vườn.
“Biết được hạn chế của mình là thiếu kinh nghiệm, tôi tham gia nhiều lớp tập huấn, lên mạng học tập những phương pháp canh tác hiệu quả. Giải pháp được vợ chồng tôi đưa ra là, trồng xen canh các loại cây ngắn hạn kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình tôi đã thu được quả ngọt”, chị Hoa bày tỏ.
Năm 2022, chị Hoa tham gia Tổ hợp tác bưởi da xanh của xã Hành Thiện, vì thế có thêm cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, mang lại năng suất cao. Đặc biệt, chị may mắn tham gia đợt tập huấn do UBND xã tổ chức đúng vào dịp cây bưởi ra hoa. Nhờ vậy, vợ chồng chị có thêm kinh nghiệm chăm sóc để cây bưởi cho quả phục vụ thị trường. Hiện nay, vườn bưởi đang trĩu quả, nên chị Hoa kỳ vọng vào một mùa bưởi bội thu.
Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG - TR.ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: