(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh truyền thống tất bật để có đủ hàng cung ứng cho thị trường Tết. Đây cũng là dịp để nhiều lao động nông thôn có thu nhập khá khi làm việc cho các cơ sở này.
Lò bánh mì xốp của gia đình ông Phan Văn Dũng (65 tuổi), ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) ngày nào cũng thơm nức mùi bánh. Ngoài những người trong gia đình, ông Dũng thuê thêm 5 nhân công mới kịp sản xuất để cung cấp theo các đơn đặt hàng.
Gia đình ông Dũng đã gắn bó với nghề làm bánh mì xốp 25 năm qua. Ngày thường, gia đình ông tiêu thụ khoảng 20kg bột mì mỗi ngày để sản xuất ra hàng nghìn chiếc bánh thơm ngon. Nhưng cứ đến đầu tháng 11 âm lịch trở đi, cơ sở của ông Dũng tăng cường sản xuất gấp 3 lần ngày thường.
Lò bánh mì xốp của gia đình ông Phan Văn Dũng mỗi ngày đều tất bật sản xuất cho vụ Tết. |
Các công đoạn làm bánh mì xốp được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. |
Bánh mì xốp được nướng trên lửa than với thời gian nhất định để đạt độ xốp mịn đúng chuẩn. |
Nguyên liệu làm bánh mì xốp, gồm: Bột mì, bơ, sữa bột, trứng gà, dừa, mè, gừng, đường. Để làm ra bánh mì xốp thơm ngon thì quan trọng nhất là phối trộn nguyên liệu. Phương thức trộn khá đơn giản nhưng mỗi người có bí quyết riêng.
“Cái giỏi của người thợ làm bánh là trộn bột theo tỷ lệ sao cho bột không nhão, cũng khô cứng. Sau đó, cho bột đã trộn vào khuôn tạo hình rồi nướng. Đơn giản vậy, nhưng phải “có nghề” thì bánh mới không vỡ vụn, có mùi thơm và ngọt thanh”, ông Dũng, chia sẻ.
Chất lượng chiếc bánh mì xốp phụ thuộc lớn vào công đoạn trộn bột. |
Những hộp bánh mì xốp thành phẩm được mang đi tiêu thụ ở khắp trong và ngoài tỉnh. |
Những chiếc bánh mì xốp thơm nức được chế biến từ những nguyên liệu gần gũi của vùng nông thôn đã trở thành món lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người Việt trong dịp Tết cổ truyền. Những ngày cuối năm, sản phẩm bánh truyền thống của gia đình ông Dũng vừa được sản xuất ra đã theo xe đi tiêu thụ ở khắp muôn nơi từ chợ truyền thống đến các hệ thống siêu thị.
Với truyền thống 3 đời làm bánh, cơ sở bánh nổ của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy (58 tuổi) ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) đỏ lửa quanh năm. Từ đầu tháng 11 âm lịch, bà phải tăng công suất gấp 5 lần vì đơn đặt hàng nhiều.
Khâu rang hạt nếp để làm bánh nổ đòi hỏi sự khéo léo, canh lửa chuẩn của người thợ. |
Sau khi hạt nếp được rang đến nở bung sẽ qua khâu sàng lọc để bỏ đi những chiếc vỏ trấu. |
Để làm ra một đòn bánh nổ thơm ngon, đạt chất lượng, tất cả công đoạn phải thực hiện thủ công; người làm cần tỉ mỉ, khéo léo. “Bánh nổ thương hiệu Trà My của gia đình tôi vừa được UBND huyện Tư Nghĩa công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhờ đó mà lượng đơn đặt hàng cũng tăng hơn so với những năm trước. Dù hiện nay đã có máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề”, bà Thủy cho hay.
Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp, đường, gừng, muối. Nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang trên bếp củi, hạt nếp nở bung lớp vỏ trấu ra ngoài, chỉ còn lại những bỏng nếp thơm, giòn, trắng.
Khâu cắt bánh nổ cũng được làm thủ công để giữ được khuôn bánh đẹp. |
Thương hiệu bánh nổ Trà My của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) vừa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. |
Các lò bánh truyền thống giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn trong mùa làm bánh Tết. |
Chị Nguyễn Thị Lượng là một trong những người làm bánh nổ lâu năm ở thôn Điền Trang chia sẻ, nghề làm bánh nổ rất nhiều công đoạn vất vả, nên hiện chỉ có những người lớn tuổi còn giữ nghề. Trước đây bánh nổ chỉ làm vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng nay bánh được sử dụng quanh năm, do đó nhiều cơ sở cũng “đỏ lửa” thường xuyên.
Thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung hiện có khoảng 20 hộ gia đình chuyên làm các loại bánh truyền thống như: Bánh nổ, mì xốp, bánh thuẫn. Với việc tăng công suất sản xuất, mỗi cơ sở đều cần 4 - 5 lao động thời vụ làm việc trong mùa làm bánh Tết.
Những chiếc bánh thuẫn được hơ trên lửa than. |
Bánh thuẫn nở đúng độ, vàng đều, nở bung ra như cánh hoa mai. |
Đây là cơ hội cho các lao động nông thôn làm việc, có thêm thu nhập mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị An ở thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho biết, ngày thường tôi làm ruộng, thu nhập khá ít. Nhưng 2 tháng gần Tết, tôi xin vào làm ở các cơ sở bánh truyền thống với thu nhập hơn 200 nghìn đồng/ngày thì rất ổn định. Tôi có đủ tiền lo cho gia đình dịp Tết nên rất vui.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Trung Võ Thị Thu Sang cho biết, trước mỗi vụ bánh Tết, Hội LHPN xã thường trao đổi với các chủ cơ sở để họ tạo điều kiện cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn tới làm việc. Mỗi nhân công được trả từ 220 - 240 nghìn đồng/ngày làm việc, chỉ cần chịu khó, chăm chỉ thì chị em sẽ có một cái Tết no ấm, đủ đầy. Việc gìn giữ, phát triển các làng bánh truyền thống đã góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và làm cho hương vị ngày Tết thêm ấm áp, sum vầy.
Bài, ảnh: THANH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: