(Baoquangngai.vn)- Bằng niềm đam mê, sáng tạo nghệ thuật và tình yêu văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố đã tập trung về TP.Quảng Ngãi để tham gia Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc. Tại đây, các đoàn đã giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của các địa phương, dân tộc qua phần diễu hành nghệ thuật.
|
Đến với Hội thi Diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc, đoàn An Giang đã mang nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm Islam. Đó là nét văn hóa được giữ gìn và phát huy theo thời gian, hòa nhập cùng nhịp sống hiện đại. |
|
Đoàn Bắc Giang diễu hành nghệ thuật với màn tái hiện lễ sinh nhật cho người từ 60 tuổi trở lên của người Nùng với nhiều nghi lễ đặc sắc. |
|
Dân ca quan họ Bắc Ninh được ví như viên ngọc lấp lánh tinh thần Việt Nam, được nhân dân lao động giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Loại hình nghệ thuật này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009. |
|
Đoàn Bình Phước diễu hành nghệ thuật theo chủ đề Sắc màu S'Tiêng, nhằm giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào S'Tiêng. Trong đó, văn hóa cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của họ trong các dịp lễ, Tết, mừng lúa mới... |
|
20 nghệ nhân Ê đê, Jarai đến từ tỉnh Đắk Lắk đến với hội thi để lan tỏa những giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. |
|
Trong kho tàng di sản văn hóa được các dân tộc ở tỉnh Điện Biên lưu giữ, trao truyền, diễn xướng dân gian trở thành di sản quý, giàu bản sắc và mang nhiều giá trị. Trong đó, nghệ thuật xòe Thái, hát Then đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
|
Đoàn Đồng Tháp đến với hội thi nhằm lan tỏa thông điệp, người Đồng Tháp luôn tự hào và ra sức giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa quý báu để góp phần tạo nên một Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen. |
|
Các nghệ nhân đến từ Gia Lai quảng bá văn hóa bản địa đặc sắc với các lễ hội, trang phục và các loại nhạc cụ truyền thống trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. |
|
Vùng đất Hải Dương còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc. Đặc biệt, "Chiếng chèo Đông" là một trong tứ chiếng chèo nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc bộ. |
|
Đoàn Hòa Bình giới thiệu về vùng đất Mường được mệnh danh là chiếc nôi của kho tàng văn nghệ dân gian, là mảnh đất của Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước". |
|
Đoàn TP.Hồ Chí Minh diễu hành nghệ thuật với điệu múa dâng bông. Đây là điệu múa không thể thiếu trong lễ cúng Bà tại miếu hoặc trong lễ tạ trang tại gia. |
|
Đoàn Khánh Hòa với phần diễu hành nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu văn hóa cồng chiêng của dân tộc Raglai. |
|
Lai Châu là ngôi nhà chung của 20 dân tộc cùng sinh sống với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo. Đến với hội thi, đoàn tỉnh Lai Châu giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè với trang phục truyền thống đẹp mắt. |
|
Đoàn Lâm Đồng quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo với những lễ hội truyền thống của vùng đất nam Tây Nguyên hùng vĩ. |
|
Các nghệ nhân dân tộc Cơ Tu đến từ tỉnh Quảng Nam giới thiệu về Gươl. Đó là kiến trúc nhà truyền thống tiêu biểu nhất, được xem là linh hồn của cộng đồng làng người Cơ Tu. |
|
Đoàn Sơn La giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mông với các trò chơi dân gian và các loại nhạc cụ truyền thống. |
|
Các nghệ nhân đến từ tỉnh Thái Nguyên tái hiện nghi lễ then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trên sân khấu của Hội thi Diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc. |
|
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ tỉnh Thanh Hóa diễu hành nghệ thuật với màn tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông của dân tộc Mường. |
|
Đoàn Thừa Thiên Huế diễu hành nghệ thuật với màn rước vật thiêng cây nêu của đồng bào Pa Cô. |
|
Đoàn Tuyên Quang mang đến hội thi nét độc đáo của lễ cấp sắc của người Dao đỏ. |
|
Đoàn Ninh Thuận giới thiệu về nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Chăm. |
|
Các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ tỉnh Phú Yên trình diễn nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại hội thi. |
|
Đoàn Quảng Bình diễu hành nghệ thuật để quảng bá văn hóa của vùng đất giao thoa, tiếp biến nhiều nền văn hóa với những làn điệu dân ca sâu lắng, đi vào lòng người. |
|
Đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ Quảng Ngãi diễu hành nghệ thuật với nghi lễ rước thuyền câu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. |
|
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên Quảng Ngãi cũng giới thiệu về các trang phục truyền thống độc đáo của đồng bào Hrê, Cor ở các huyện miền núi trong tỉnh. |
Thực hiện: K.NGÂN - T.PHƯƠNG - T.NHÀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 12:56, 02/08/2024