Nhìn rộng ra trong phạm vi cả nước trong mấy thập niên qua, thông thường khi đề cập đến phát triển du lịch, đa phần chủ trương đầu tư được xác định là các dự án phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật như cơ sở lưu trú, nhà hàng; các tuyến điểm tham quan; khu nghỉ dưỡng; các sự kiện... Tuy nhiên, đầu tư như thế nào và làm thế nào để bền vững thường ít nhắc đến và ít được tham vấn rộng rãi. Và đó cũng là vấn đề mấu chốt gây lãng phí tài nguyên, bỏ mất rất nhiều cơ hội.
Nhiều khách du lịch rất thích thú với ẩm thực Quảng Ngãi. Ảnh: MINH THU |
Trong thời gian qua, rất nhiều địa phương đầu tư chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung kinh tế mũi nhọn vào ngành du lịch. Rất nhiều dự án quy mô lớn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sang đất thương mại - dịch vụ, với tham vọng “gà đẻ trứng vàng” từ “ngành công nghiệp không khói”. Song, thực tế từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, hầu hết đã phải phá vỡ và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tất cả đều cho thấy phần lớn chỉ lo “bề nổi”, thiếu chiều sâu. Bên cạnh các dự án du lịch quy mô lớn đã thất bại kéo theo nguồn thu của địa phương sụt giảm, nhà đầu tư vỡ nợ, phá sản... thì một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm học tập, du lịch nông nghiệp... có “tín hiệu” thành công. Và cũng có một số địa phương chỉ đạo tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư mở rộng quy mô... Song, nhiều nơi cũng sai phạm về pháp lý và sai lầm ngay từ nguyên lý. Du lịch Quảng Ngãi đi sau, rất cần học nhiều và hiểu sâu để đảm bảo bền vững.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền SUP trên đầm An Khê (TX.Đức Phổ). Ảnh: QV |
Trong nhiều năm qua, nhiều nơi phát triển du lịch phần lớn tập trung vào việc mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Tuy nhiên, việc tăng trưởng khá nóng dẫn đến một tỷ lệ lớn cơ sở lưu trú "mọc lên" tự phát, mạnh ai nấy làm, khai thác tận thu, kinh doanh chộp giật, thậm chí còn "chạy sao" trong khi chất lượng chưa tương xứng.
Hậu quả là phá vỡ cảnh quan, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, làm giảm sự hấp dẫn của điểm du lịch. Phần lớn các dự án du lịch đầu tư theo hướng “công nghiệp”, xây dựng nhanh, thu hồi đất nông nghiệp sai quy định, xâm lấn vào các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, làm tổn thương đến các cộng đồng dân cư. Nhìn chung, sai lầm thường rơi vào việc phát triển thiếu quy hoạch, tâm lý muốn kiếm tiền thật nhanh bằng mọi cách; tập trung phô diễn, chạy theo trào lưu, thiếu kết nối và căn bản thiếu tiếp cận từ gốc.
Xét về bản chất, du lịch là ngành kinh tế kết nối. Trước hết là kết nối lịch sử - văn hóa để giao lưu và hội nhập; kết hợp với các ngành kinh tế sản xuất và dịch vụ để làm cho chuỗi giá trị được gắn chặt và gia tăng giá trị. Chúng ta có một nền văn hóa truyền thống gắn với nông nghiệp; có điều kiện tự nhiên đa dạng tạo nên rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, giá trị. Rất tiếc, chúng ta đã để mất dần lợi thế vì diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nghề nông suy thoái, nhiều đặc sản lãng quên... kéo theo du lịch địa phương mất dần tính hấp dẫn.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và xu thế chuyển đổi kép như hiện nay, Quảng Ngãi nhất thiết phải dựa trên 4 lưu vực sông chính để quy hoạch không gian phát triển cho phù hợp, đó là Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng và sông Vệ. Để phát triển “thuận thiên” nhất thiết phải giữ rừng đầu nguồn; sắp xếp nơi ở, sản xuất, giao thông, du lịch... phải dựa vào “dòng chảy” từ thượng nguồn đến hạ lưu và kể cả đại dương.
Rừng ngập mặn ven biển xã Tịnh Khê . Ảnh: T.PHƯƠNG |
Du khách tham quan rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Ảnh: PV |
Hiện nay, Quảng Ngãi có rừng đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng, lâm nghiệp thiếu bền vững, đang tiềm ẩn khủng hoảng sinh thái và an ninh nguồn nước nghiêm trọng trong nay mai. Do vậy, cần sớm xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ kết nối với Cà Đam. Cần có chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với các mô hình sinh kế cộng đồng, phát huy văn hóa bản địa trong kiến thiết không gian văn hóa và kinh tế phù hợp. Tính toán lại không gian các khu đô thị “mới” để chỉnh trang nhằm đảm bảo thấm và thoát đúng quy luật tự nhiên. Cần đầu tư đúng chức năng của khu bảo tồn biển để biến hoạt động bảo tồn thành một ngành kinh tế đem lại nhiều giá trị.
Cố gắng giữ cho bằng được rừng ngập mặn ven biển, vùng đất ngập nước hiện còn sót lại. Đặc biệt, Quảng Ngãi cần xem xét, cân nhắc khởi động lại dự án công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, đây chính là điểm nhấn thương hiệu, có tính duy nhất, rất cần thấu hiểu và kiên trì hành động. Phát triển du lịch không thể tách rời các ngành kinh tế nên cần quy hoạch tổng thể. Quảng Ngãi có đầy đủ các thành phần kinh tế với các thế mạnh đặc thù từ công nghiệp hóa dầu; cảng nước sâu; nông - lâm - ngư - diêm nghiệp; thủ công mỹ nghệ... Nếu quy hoạch kết nối tốt, du lịch sẽ phát triển và các ngành kinh tế cũng bền vững.
Quảng Ngãi từng nổi tiếng với mía đường. Dù nay chuyển hướng phát triển mới, nhưng vị ngọt thì thời nào con người cũng cần. Và cây mía vẫn là cây hợp với sinh thái của Quảng Ngãi. Nếu tiếp cận theo đúng “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”, thì kinh tế nông nghiệp dựa vào mía - đường vẫn có tiềm năng và vùng đất này cũng sẽ “ngọt ngào” hơn. Quảng Ngãi từng nổi tiếng với muối Sa Huỳnh “mặn mà tha thiết”, nhưng tiếc rằng chưa được phát huy hết thế mạnh đó. Song vị mặn thì thời nào con người cũng cần. Và nếu tiếp cận đúng... cũng sẽ “mặn mà” hơn.
Mạch nha, đường phèn, đường phổi là sản phẩm của mía đường Quảng Ngãi. |
Quảng Ngãi có quế Trà Bồng, với hương quế từng bay rất xa, kết nối văn hóa với cả khu vực trong quá khứ, nay chỉ còn phảng phất, rất cần phục hồi. Phục hồi hương quế không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà cả văn hóa và sinh thái.
Đặc sản hành, tỏi Lý Sơn. |
Quảng Ngãi còn có tỏi Lý Sơn - sản vật được kết tinh giữa cát san hô với hàm lượng vi lượng đặc biệt được tạo tác từ núi lửa phun trào giữa đại dương. Đó là một sản phẩm gắn với sinh thái tự nhiên ít nơi nào có được. Sản vật ấy đã bị làm “biến dạng”, rất cần quan tâm phục hồi và nâng tầm giá trị. Quảng Ngãi còn có một thổ sản vô cùng quý giá, đã bị lãng quên lâu rồi nhưng vẫn còn “manh mối”, đó là nghĩa sâm - Sâm của Quảng Nghĩa. Đây là một thổ sản quý đã được Triều Nguyễn mô tả rất kỹ. Ngoài thực địa đã tìm thấy nghĩa sâm và đã có những kết quả nghiên cứu bước đầu. Rất cần quan tâm phục hồi nghĩa sâm thành sản phẩm thương hiệu đặc sắc, giá trị cao...
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi và chị Phạm Thị Thanh Tuyết trao đổi về việc phục dựng ngôi mộ chum của người Sa Huỳnh cổ. |
Đặc biệt hơn, Quảng Ngãi có “Sa Huỳnh” - một trong 3 nền văn hóa cổ trên lãnh thổ Việt Nam, còn dấu vết của không gian cổ xưa cũng như có tính kết nối rộng với các nền văn hóa trên thế giới. Nếu khơi dậy “thương hiệu” Sa Huỳnh để kết nối tất cả các ngành kinh tế của Quảng Ngãi như công nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp - lâm nghiệp - diêm nghiệp nhằm phát triển du lịch theo hướng văn hóa sinh thái, thì “chiếc nôi” văn hóa Sa Huỳnh sẽ đưa Quảng Ngãi lên một đỉnh cao và sẽ tiệm cận một thứ bậc văn minh mới.
Đồng muối Sa Huỳnh. Ảnh: TL |
Du lịch là kết nối, nâng tầm giá trị..., chứ không phải chỉ lo “ăn chơi”, hưởng thụ. Quảng Ngãi giờ đây cần học bài học “tránh 4 ỷ lại” để giảm thiệt hại cho tương lai. Tức là, tránh ỷ lại vào công nghiệp nặng và hóa chất, bất động sản, công nghiệp sử dụng lao động phổ thông và gia công, công nghiệp dựa vào sự lôi kéo vốn đầu tư từ bên ngoài. Thực hiện được những điều đó, ngành du lịch Quảng Ngãi mới định hình và phát triển bền vững trong tương lai, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Nội dung: VÕ VĂN MINH
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BẢI LIÊN QUAN: