Thúc đẩy phát triển xanh

21:53, 17/02/2025
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường đã trở thành xu thế  tất yếu toàn cầu. Do đó, việc đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất thân thiện, theo hướng giảm phát thải khí CO2 không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp (DN) duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhà sản xuất vào cuộc

Phát triển xanh đã trở thành xu thế tất yếu và ngày càng lan tỏa, trở thành yêu cầu bắt buộc trong điều kiện biến đổi khí hậu gia tăng. Không chỉ đối với xuất khẩu mà sản phẩm tiêu thụ nội địa cũng đòi hỏi các tiêu chí về vệ sinh, môi trường, khí thải và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Để thích ứng với xu thế này, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thiết bị cải tiến quy trình sản xuất, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Đơn cử tại trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), quy mô 26 nghìn mét vuông. Ngoài hệ thống chuồng trại được thiết kế hiện đại, khép kín, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, để đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm, chủ trang trại đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời ở tất cả khu chuồng trại.

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Trúc Lộc cho biết, việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp trang trại chủ động nguồn điện trong quá trình vận hành hệ thống chuồng trại và các hoạt động phụ trợ, nhằm giảm chi phí, gia tăng hiệu quả. Nguồn năng lượng tái tạo này hạn chế phát thải khí có hại, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất. Hiện tại, trang trại cung ứng hơn 4.500 quả trứng/ngày ra thị trường. Từ tháng 3/2025, trang trại sẽ đưa vào vận hành khu chuồng trại thứ 2 với quy mô 5.000 con gà đẻ, nâng tổng quy mô của trang trại lên 10 nghìn con, sản lượng trứng cung ứng trên 9.000 quả trứng/ngày.

Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT cũng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu theo xu hướng xanh, sạch qua việc kiên trì áp dụng phương thức canh tác thân thiện, kiểm soát chất lượng đất và nước, gắn với áp dụng cơ giới hóa vào các khâu, từ sản xuất, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến. Sau hơn 5 năm đồng hành, đến nay, những cánh đồng lúa do DN này đầu tư ở các xã Đức Phú, Đức Thạnh (Mộ Đức) giờ đây đã được quy hoạch bài bản, nông dân áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, giúp sản phẩm lúa gạo vươn xa. Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân cho biết, ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa giúp nông dân giảm một lượng lớn nước tưới, tiết kiệm công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế. Quan trọng nhất là hướng sản xuất thân thiện với môi trường, dịch chuyển sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hiện đại. Qua đó từng bước đưa gạo sạch và các sản phẩm được chế biến từ gạo ra thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Cộng đồng trách nhiệm 

Không chỉ ngành công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực có phát thải khí lớn (chủ yếu là khí mê - tan). Canh tác lúa nước là nguồn phát thải khí mê - tan lớn nhất, do sự gia tăng của việc sử dụng phân bón hóa học trong quá trình sản xuất. Do đó, việc giảm phát thải khí mê - tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đã trở thành ưu tiên trọng tâm trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với sự nỗ lực từ các DN, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương cũng vào cuộc chuyển đổi xanh, phát triển xanh qua việc tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân,  tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trang trại chăn nuôi Phát Lộc, xã Đức Phong (Mộ Đức) đầu tư hệ thống xử lý nước thải kết hợp trồng cây xanh để đảm bảo môi trường.
Trang trại chăn nuôi Phát Lộc, xã Đức Phong (Mộ Đức) đầu tư hệ thống xử lý nước thải kết hợp trồng cây xanh để đảm bảo môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, trồng trọt và chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ cao, do đó việc chuyển đổi xanh, phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần bắt đầu từ nông dân. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, chuyển giao và khuyến khích nông dân thực hiện các phương thức, biện pháp cải tạo đất bằng cách bổ sung chất hữu cơ, sử dụng công nghệ biogas để chuyển đổi chất thải trong chăn nuôi thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải khí mê - tan. Đồng thời, áp dụng các công nghệ giám sát và mô hình dự báo để theo dõi và quản lý phát thải khí mê - tan một cách hiệu quả.

 Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 50% số huyện, thị xã, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã triển khai thực hiện các thủ tục liên quan về việc Công ty TNHH Faeger (Nhật Bản) hợp tác khảo sát, thử nghiệm và thực hiện thí điểm dự án Tín chỉ carbon trên lúa. Qua đó từng bước lan tỏa chương trình trồng lúa giảm phát thải trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương bày tỏ, phát triển xanh không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ hiện đại hay chuyển đổi sản xuất, mà còn yêu cầu sự thay đổi trong tư duy và chiến lược của các cấp, ngành, địa phương, nhà sản xuất cũng như đơn vị phân phối, người tiêu dùng. Bên cạnh nỗ lực thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu tỉnh ban hành cơ chế ưu tiên, khuyến khích DN đầu tư công nghệ tiên tiến, hệ thống năng lượng tái tạo, biện pháp xử lý chất thải hiệu quả, hay sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Về phía DN, cần rà soát, cải tiến quy trình sản xuất, từ đó nhận định những điểm gây phát sinh khí thải, các công đoạn sử dụng nhiều năng lượng để phân loại và xử lý chất thải. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Tuy nhiên, phát triển xanh không thể tập trung ở một lĩnh vực nhất định, cũng không phải là nhiệm vụ của riêng nhà sản xuất, mà cần sự tham gia đồng bộ từ các ngành, các cấp cũng như cộng đồng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:53, 17/02/2025

Ý kiến bạn đọc


.