(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, thời tiết thay đổi liên tục đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Do đó, người dân các huyện Sơn Hà, Sơn Tây thường xuyên ra thăm đồng, chủ động chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Chăm sóc cây ăn quả
Sau Tết, người dân ở các xã của huyện miền núi Sơn Tây chủ động ra đồng, lên rẫy chăm sóc lúa, cây ăn quả. Mùa này, ổi bắt đầu ra búp non. Những người nông dân đang tập trung tỉa bớt cành để tạo sức cho cây đậu quả; đồng thời phát dọn cỏ, bón phân cho vườn cây ăn quả phát triển. Anh Đinh Văn Thiên, ở xã Sơn Liên chia sẻ, năm nay thời tiết mưa lạnh kéo dài, nên cây ổi chậm lớn hơn so với mọi năm. Mấy hôm nay, 2 vợ chồng tôi đã mượn thêm mấy người trong làng tỉa cành, bón phân cho cây. Phải chăm sóc tốt thì cây mới phát triển cho quả nhiều.
Gia đình chị Đinh Thị Hồng, ở xã Sơn Long, trồng gần 800 cây ổi, chuối, bưởi, sầu riêng. Trong đó, ổi đã cho thu hoạch 2 năm, còn bưởi mới cho thu hoạch vụ đầu tiên. “Lúc trước, tôi trồng cây keo, cây cau thì không cần phải chăm sóc gì, nhưng bây giờ trồng cây ăn quả khác rất nhiều. Không chỉ bón phân, tưới nước, làm cỏ mà còn phải tỉa cành, chọn quả. Mùa này, hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng có mặt để chăm sóc vườn cây. Tuy tốn công hơn trồng keo, mì, nhưng trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao nên ai cũng vui vẻ, chăm chỉ ra vườn, lên rẫy”, chị Hồng cho hay.
Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện có hơn 120ha cây ăn quả được trồng theo hướng tập trung. Cây trồng chủ yếu là ổi, bưởi, chuối, cam. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Như Tuấn, nhận thấy hiệu quả từ trồng các loại cây ăn quả nên người dân đã chủ động mua giống về trồng, mở rộng diện tích. Đồng thời, người dân đã biết lên mạng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc cây trồng để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
![]() |
Người dân huyện Sơn Tây thường xuyên thăm đồng, chăm sóc lúa vụ đông xuân. |
Chủ động phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi
Những ngày qua, bà Đinh Thị Ngà, ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà), thường xuyên ra đồng bắt ốc bươu vàng, bảo vệ ruộng lúa của gia đình. Bà Ngà cho biết, sau Tết, ruộng nhà tôi xuất hiện nhiều ốc bươu vàng và chuột cắn phá. Nhà đông người nhưng chỉ có hơn 2 sào ruộng, nếu không chăm sóc tốt sẽ không đủ gạo ăn.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà, vụ đông xuân 2024 - 2025, địa phương đã xuống giống 2.830ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Cơ cấu các loại giống chủ yếu là QNg 13, Thiên Hương 6, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Thiên Ưu 8... Hiện nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên, do nền nhiệt độ thấp, trời lạnh về đêm, sáng sớm có sương mù nên sâu, bệnh, ốc bươu vàng và chuột có khả năng gây hại cao.
Bên cạnh cây trồng, thời tiết thường xuyên thay đổi cũng đã ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Hiện nay, huyện Sơn Hà có hơn 57,6 nghìn con gia súc; trong đó, đàn trâu gần 11,8 nghìn con, đàn bò hơn 16 nghìn con, đàn heo hơn 28 nghìn con. Sau Tết, người dân bắt đầu tái đàn, bổ sung đàn vật nuôi, tuy nhiên số lượng còn hạn chế do thời tiết chưa thuận lợi.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà Đinh Văn Chi cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện thời tiết vẫn còn mưa, lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, nhất là các vùng núi cao. Vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, che chắn chuồng trại. Người dân đã chủ động dành nhiều diện tích để trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: