Khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể

14:16, 06/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đang triển khai các kế hoạch, giải pháp tập trung phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ.

Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Nhuận (Mộ Đức) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 HTX Dịch vụ nông nghiệp Bồ Đề và HTX Dịch vụ nông nghiệp Năng An vào năm 2023, với hơn 2.900 xã viên. Sau khi hợp nhất, HTX đã nhanh chóng đề ra các giải pháp phát triển, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên. Giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Nhuận Trần Thị Linh chia sẻ, tôi rất vui vì chính quyền địa phương và người dân trong xã đã tin tưởng giao trách nhiệm lãnh đạo HTX. Trong thời gian tới, tôi cùng với các thành viên của HTX sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, nghiên cứu xây dựng các mô hình, dịch vụ nông nghiệp hiệu quả hơn để đưa HTX ngày càng phát triển.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây) Lê Thị Ánh giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã tại một hội nghị kết nối cung cầu.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây) Lê Thị Ánh giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã tại một hội nghị kết nối cung cầu.
Quảng Ngãi hiện có 16 HTX do phụ nữ quản lý, điều hành, với gần 400 thành viên, trong đó có 145 thành viên nữ, 48 nữ tham gia ban quản lý; có 6/16 HTX có thành viên là người dân tộc thiểu số. Hoạt động chủ yếu của HTX do nữ quản lý, điều hành là lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng, vận tải.

Còn Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Bình Chương (Bình Sơn) Hoàng Thị Ba chia sẻ, khi HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và hoạt động như một doanh nghiệp là giai đoạn khó khăn nhất đối với tôi. Làm thế nào để hoạt động có lãi, có tiền để trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhưng vẫn phục vụ tốt cho nông dân là cả một vấn đề. Song, nhờ sự đồng lòng của lãnh đạo HTX cũng như xã viên đã tiếp thêm động lực, niềm tin để giúp HTX đứng vững và phát triển.

Những năm gần đây, số lượng HTX do phụ nữ làm chủ ngày càng nhiều, trong đó, có nhiều HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này đã góp phần thay đổi rất lớn trong việc huy động các chị em vùng cao cùng tham gia vào kinh tế tập thể. Điển hình như các HTX Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây), HTX Nông lâm nghiệp Đoàn Kết (Minh Long).

Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm theo kênh truyền thống, các HTX do nữ quản lý, điều hành đã và đang nhanh chóng thích ứng với các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng thông qua việc phát triển các trang thương mại điện tử như Facebook, Zalo, Shopee... Việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử giúp HTX mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và hộ nông dân liên kết.

Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân cho biết, Liên minh HTX tỉnh và Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Trong thời gian đến, để khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh sẽ cùng các cấp hội LHPN trong tỉnh có nhiều giải pháp nhằm tiếp tục truyền cảm hứng, nuôi dưỡng những khát vọng, ý tưởng khởi nghiệp, ước mơ để phụ nữ có thể hình thành những tổ hợp tác, HTX gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.

 Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:16, 06/12/2024
TỪ KHÓA: htx phụ nữ liên minh

Ý kiến bạn đọc


.