(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương bị sạt lở, vùi lấp, sa bồi thủy phá. Đồng thời, tập trung nguồn lực sửa chữa, khắc phục, xây dựng các công trình thủy lợi (CTTL) bị hư hỏng trong các đợt mưa lũ vừa qua.
Chủ động khắc phục
Cuối tháng 11/2024, cán bộ, nhân viên tại Chi nhánh Trạm Quản lý thủy nông số 3 - Tư Nghĩa (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi) ra quân nạo vét, phát dọn bờ kênh; vớt rác và bèo, rau muống tại các đập, cống tiêu để khơi thông dòng chảy. Trưởng Chi nhánh Trạm Quản lý thủy nông số 3 - Tư Nghĩa Phan Sáu cho biết, đơn vị đang quản lý 1 hồ chứa nước, 3 đập dâng, 18 tuyến kênh với chiều dài trên 70km và 623 công trình trên kênh, đảm bảo nước tưới cho gần 9.000ha lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Tư Nghĩa mỗi năm. Riêng vụ sản xuất đông xuân 2024 - 2025, đơn vị hợp đồng với 22 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương, cung cấp nước tưới cho hơn 4.300ha đất nông nghiệp.
Ngay từ đầu tháng 10 vừa qua, đơn vị tổ chức kiểm tra hiện trạng và gia cố, sửa chữa một số hư hỏng nhỏ tại các CTTL và kênh mương. Thế nhưng, lo nhất là cống tiêu kênh N-VC16 đoạn qua xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bị sạt lở, nứt gãy, ảnh hưởng đến việc dẫn nước phục vụ tưới cho gần 200ha đất lúa trên địa bàn xã Nghĩa Kỳ và phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Ngoài ra, cống qua đường của kênh N-VC16-2, đoạn qua thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ, bị sa bồi thủy phá, ảnh hưởng đến việc dẫn nước phục vụ hơn 45ha đất lúa của người dân.
Tuyến kênh N-VC16-2, đoạn qua thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), bị sa bồi nặng, ảnh hưởng đến năng lực dẫn nước tưới phục vụ sản xuất cho hơn 45ha đất lúa. |
Trong khi đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang huy động các lực lượng ra quân nạo vét, vệ sinh kênh mương, khắc phục những diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá do ngập lụt. Nhất là tại 2 huyện Minh Long và Nghĩa Hành có 18 đập tạm, đập dâng bị hư hỏng, nước cuốn trôi và 4 trạm bơm bị ngập sâu do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 22 - 24/11. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ khắc phục, sửa chữa, xây dựng mới các CTTL, kênh mương. Như tại kênh N10-2-2, đoạn qua thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), các đơn vị đang nỗ lực thi công cống tiêu nhằm thông tuyến (dài hơn 650m), đảm bảo dẫn nước tưới cho gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2024 - 2025. Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cũng tổ chức kiểm tra, tổ chức khắc phục và đề xuất sửa chữa 6 CTTL và 7 tuyến kênh mương, với chiều dài hơn 5,2km.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân, để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, Phòng NN&PTNT chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương huy động người dân nạo vét, vệ sinh kênh mương và tổ chức gia cố, khắc phục tạm thời những hư hỏng. Đối với đập, kênh mương bị đất đá vùi lấp, huy động người dân tại địa phương dọn dẹp bùn đất, đá, khơi thông dòng chảy. Những đoạn kênh bị gãy, đổ, tạm thời bắc ống dẫn nước. Những diện tích không chủ động nước sẽ chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, đảm bảo phù hợp khung thời vụ.
Cần được hỗ trợ
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi hiện đang quản lý, khai thác 24 hồ chứa nước, 33 đập dâng, đập ngăn mặn và trạm bơm, 87,6km kênh chính và 674km kênh nhánh, đảm bảo diện tích tưới trên 46 nghìn héc ta/năm, trong đó vụ sản xuất đông xuân khoảng 24 nghìn héc ta. Vì vậy, từ đầu tháng 10, công ty đã tập trung kiểm tra và đánh giá mức độ hư hỏng, nhằm chủ động triển khai xử lý tạm thời các điểm bị sạt lở, gia cố mái bờ kênh, nạo vét lòng kênh bị bồi lấp. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương huy động người dân, các lực lượng cũng như phương tiện trục vớt vật cản, bèo, rác tại các cống tiêu, đập ngăn mặn, đập dâng... Qua đó, vừa đảm bảo khơi thông dòng chảy, dẫn nước phục vụ vụ sản xuất, vừa tiêu thoát lũ đảm bảo an toàn công trình.
Kênh chính Núi Ngang, đoạn qua xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. |
Tuy nhiên, đợt mưa lớn từ ngày 22 - 24/11 vừa qua đã làm nhiều CTTL, tuyến kênh mương trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, bồi lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng lực dẫn nước phục vụ sản xuất, như: Kênh chính Bắc, chính Nam, kênh chính Nam sông Vệ thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham; kênh chính Hóc Xoài, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa); tuyến kênh B3-2, B4-2 và cống tiêu N-VC16; kênh chính Núi Ngang, kênh chính An Thọ... Ngoài ra, hàng loạt CTTL, tuyến kênh mương do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi quản lý cũng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đập ngăn mặn giữ ngọt Khê Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Hiền Lương (Tư Nghĩa) có nhiều hạng mục bị gãy, nước cuốn trôi gây thấm lậu nước. Điều này không chỉ gây mất an toàn công trình, mà dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn, không đảm bảo mục tiêu trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân các xã Nghĩa Hà, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, hiện có 25 CTTL, kênh mương lớn do đơn vị quản lý bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc cung cấp và dẫn nước phục vụ các ngành sản xuất. Tuy nhiên, vì kinh phí khắc phục, sửa chữa lớn nên công ty báo cáo Sở NN&PTNT, kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, trước mắt là 3,7 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa thường xuyên các CTTL, kênh mương năm 2025. Đặc biệt là, sớm bố trí kinh phí (trên 130 tỷ đồng), để thực hiện Đề án sửa chữa, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, hồ đập, góp phần đảm bảo an toàn trong vận hành và điều tiết nước, phục vụ nước tưới sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: