Gỡ khó cho dịch vụ thủy lợi

15:04, 09/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi (CTTL) bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi đơn vị quản lý, khai thác CTTL gặp khó khăn về kinh phí, vướng mắc về giá dịch vụ thủy lợi chưa được tháo gỡ... ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả khai thác CTTL. 

Nhiều khó khăn

Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi hiện là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh quản lý, khai thác hệ thống CTTL, gồm: 24 hồ chứa nước; 33 đập dâng, đập ngăn mặn và trạm bơm; 87,6km kênh chính và 674km kênh nhánh. Qua đó, đảm bảo nước tưới cho trên 46 nghìn héc ta đất nông nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, vì vướng cơ chế về giá dịch vụ thủy lợi nên hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Kênh N6 Liệt Sơn qua phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) bị hư hỏng chưa được sửa chữa vì thiếu kinh phí.
Kênh N6 Liệt Sơn qua phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) bị hư hỏng chưa được sửa chữa vì thiếu kinh phí.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Hùng cho biết, nguồn thu chủ yếu của công ty là từ hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Song, 12 năm qua, chính sách giá dịch vụ khai thác không đổi, đơn giá tối đa bằng đơn giá được quy định theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012. Trong khi đó, các yếu tố hình thành giá hiện nay đều tăng mạnh so với năm 2012, cụ thể: Lương tối thiểu tăng gấp đôi, giá điện và vật tư nguyên liệu tăng 85%. Ngoài ra, việc thiếu tính thống nhất giữa Nghị định số 96/2018/NĐ-CP và các thông tư của Bộ Tài chính trong hướng dẫn thực hiện các nội dung, dẫn đến công ty lúng túng trong triển khai trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi. Vì vậy, hiện mức lương trung bình của cán bộ, công nhân vận hành CTTL rất thấp, chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn kinh phí hạn chế nên việc thực hiện các quy định về an toàn đập, hồ chứa theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ gặp nhiều khó khăn, một số nội dung không đảm bảo thời gian và tiến độ thực hiện, như cắm mốc chỉ giới bảo vệ CTTL; xây dựng phương án phòng, chống lũ cho vùng hạ du; kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị quan trắc chuyên dùng về khí tượng thủy văn... Bên cạnh đó, nhiều CTTL bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không được khắc phục và sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng đến an toàn công trình cũng như hiệu quả cấp nước phục vụ các ngành sản xuất.

Cần có cơ chế phù hợp 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở NN&PTNT) Võ Đoàn cho biết, để nâng cao giá trị tài nguyên nước, Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá quy định tại Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với hầu hết các CTTL do Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi quản lý, khai thác và vận hành đều phục vụ đa mục tiêu, bao gồm cả cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác. Thế nhưng, hiện nay giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi vẫn được Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế mức hỗ trợ không vượt giá tối đa do Bộ Tài chính quy định, mà giá tối đa lại phụ thuộc ngân sách nhà nước, dẫn đến mức thu chưa tương xứng. Cùng với đó, việc xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác cũng gặp vướng mắc. Từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi xây dựng và trình phương án (1 lần/năm) nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Vì vậy, dù cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác, như: Cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, cấp nước kết hợp phát điện… nhưng công ty vẫn chưa thể thu được phí. Không có chi phí, hoạt động của công ty gặp khó, không thể thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa CTTL thường xuyên, làm ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả công trình.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, để gỡ khó cho giá dịch vụ thủy lợi, đồng thời nâng cao giá trị tài nguyên nước, công ty kiến nghị Sở NN&PTNT, Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT ban hành quy định giá sản phẩm dịch vụ công ích theo hướng tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường, không nên sử dụng trần dự toán ngân sách để khống chế giá tối đa. Đồng thời, xem xét nâng mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; hoặc thực hiện tốt cơ chế trợ giá, hỗ trợ tài chính đối với các đơn vị thủy lợi. Về lâu dài, cần nghiên cứu tách bạch giữa cơ chế giá và cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực khai thác thủy lợi. Qua đó, tạo điều kiện để các tổ chức khai thác CTTL xây dựng phương án giá, hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đảm bảo tính đúng, tính đủ theo thực tế các chi phí, đảm bảo hiệu quả hoạt động.  

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:04, 09/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.