Vụ mùa bội thu

16:27, 09/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ sản xuất hè thu 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì lúa được mùa, với năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 60,1 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 1,1 tạ/ha. Trong đó, năng suất lúa bình quân 5 huyện miền núi đạt 50,8 tạ/ha và khu vực đồng bằng đạt 62,6 tạ/ha.

Đối với những cánh đồng dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), năng suất lúa cao vượt trội, từ 62 - 65 tạ/ha, có nơi đạt 68 tạ/ha. Đây là tín hiệu vui để các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương DĐĐT tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

Hiệu quả dồn điền, đổi thửa

Ông Vũ Xuân Sơn, thôn 4, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) chia sẻ, dù thời tiết bất lợi, sâu bệnh và chuột gây hại nhưng gần 4 sào lúa của gia đình tôi ở đồng bắc Cu Ra đạt năng suất rất cao, hơn 13,5 tạ (xấp xỉ 68 tạ/ha), cao hơn vụ hè thu các năm trước gần 2 tạ/ha. Không chỉ đạt năng suất, mà việc sản xuất cũng thuận lợi hơn nhờ DĐĐT. Từ 4 thửa ruộng rải rác ở các xứ đồng nhập thành một thửa lớn, kênh tưới tiêu hợp lý, đường nội đồng rộng rãi nên máy làm đất, thu hoạch và xe vận chuyển thuận lợi ra vào. Không chỉ ông Sơn, hàng trăm hộ dân canh tác ở đồng bắc Cu Ra cũng phấn khởi vì bội thu vụ lúa hè thu, với năng suất đạt 68 tạ/ha, cao hơn xứ đồng chưa DĐĐT từ 4 - 5 tạ/ha.

Thu hoạch lúa hè thu ở xã Đức Lân (Mộ Đức).
Thu hoạch lúa hè thu ở xã Đức Lân (Mộ Đức).

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận Nguyễn Vũ Trung cho hay, từ cuối năm 2022, cánh đồng bắc Cu Ra này có diện tích gần 30ha được chia thành 3 khu để triển khai DĐĐT bằng hình thức xã hội hóa. Sau DĐĐT, toàn bộ cánh đồng bắc Cu Ra bằng phẳng, liền vùng, đường nội đồng rộng, hệ thống kênh tưới tiêu thuận tiện, cộng với nông dân sản xuất theo phương châm “5 cùng” (cùng giống, cùng làm đất, cùng cấy, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch). Điều này giúp nông dân và ngành chuyên môn kiểm soát được dịch bệnh, sử dụng nước tưới tiêu hợp lý nên năng suất lúa đạt cao, trong khi chi phí sản xuất giảm.

Các cánh đồng lúa ở xóm 4 thôn Ngọc Trì, Thổ Khâm, Thổ Đắc ở thôn An Điềm, xã Bình Chương (Bình Sơn) cũng đạt năng suất cao, sau khi DĐĐT. Không chỉ năng suất lúa cao hơn, mà việc sản xuất cũng thuận tiện hơn nhiều, từ khâu chăm sóc, tưới tiêu, gieo sạ, thu hoạch, đến vận chuyển. 

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Chương Phạm Quang Hiền, khi sản xuất trên ruộng DĐĐT, người dân thấy rõ chi phí, công sức bỏ ra ít hơn mà hiệu quả kinh tế cao hơn. Hợp tác xã cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền, vận động, để tiếp tục cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng có thu hồi đất dư thừa tại xứ đồng Giếng Mạch, Hóc Lâu ở thôn An Điềm, với diện tích trên 16,7ha.

Thúc đẩy tích tụ ruộng đất

Theo đánh giá của chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp, ngoài hình thành bờ vùng, bờ thửa để liền vùng, liền thửa thì “cái được” của DĐĐT chính là quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu phù hợp. Qua đó, giúp nông dân thuận lợi trong việc đưa cơ giới vào sản xuất, giúp giảm chi phí đầu vào từ 15 - 20%, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 20 - 25%. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, để công tác DĐĐT mang lại hiệu quả, quá trình thực hiện phải đảm bảo minh bạch, khách quan và công bằng, hợp tình, hợp lý trong phân chia lại ruộng đất. Từ hiệu quả DĐĐT tại xã Đức Nhuận, Đức Tân, hiện nay người dân các địa phương trên địa bàn huyện hăng hái tham gia DĐĐT. Như tại xã Đức Chánh, nhu cầu DĐĐT của người dân tăng từ 73ha lên 183ha.

Lúa vàng trĩu hạt tại cánh đồng bắc Cu Ra, xã Đức Nhuận (Mộ Đức).
Lúa vàng trĩu hạt tại cánh đồng bắc Cu Ra, xã Đức Nhuận (Mộ Đức).

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, nhận thấy hiệu quả của DĐĐT, từ năm 2013, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai DĐĐT với tổng diện tích hơn 7.600ha, từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2021, phong trào DĐĐT dần trầm lắng, vì nguồn lực hạn chế, mặc dù diện tích cần chỉnh trang, DĐĐT còn khá lớn (gần 28,6 nghìn héc ta). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, từ năm 2022, tỉnh cho chủ trương thí điểm DĐĐT tại xứ đồng thôn 7, xã Đức Tân, với diện tích 34ha bằng hình thức xã hội hóa. Qua đó vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Từ hiệu quả mang lại, phong trào DĐĐT bằng hình thức xã hội hóa lan tỏa đến các địa phương, từ xã Đức Nhuận (Mộ Đức), Bình Chương (Bình Sơn) đến Phổ Cường, Phổ Phong (TX.Đức Phổ); Tịnh Giang, Tịnh Minh (Sơn Tịnh); Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa)... với tổng diện tích trên 260ha, kinh phí hơn 42 tỷ đồng.

Cùng với DĐĐT bằng hình thức xã hội hóa, ngày 21/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương DĐĐT đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Vì vậy, năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã đăng ký thực hiện DĐĐT tại 64 cánh đồng, diện tích gần 812ha, dự toán kinh phí trên 21,6 tỷ đồng. Qua đó thúc đẩy phong trào DĐĐT tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng sản xuất lớn, tập trung theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:27, 09/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.