(Báo Quảng Ngãi)- Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trữ lượng cũng như chất lượng nguồn nước. Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những nhiệm vụ được hệ thống chính trị các cấp tập trung thực hiện.
Giảm trữ lượng, chất lượng
Toàn tỉnh hiện có 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, với tổng lưu lượng khai thác, sử dụng trên 38,6 nghìn mét khối/ngày đêm. Trong đó, có 1 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung với lưu lượng 23 nghìn mét khối/ngày đêm, do Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi quản lý, khai thác. Theo đánh giá của Sở TN&MT, kết quả quan trắc môi trường hằng năm, hầu hết các nguồn nước cấp cho sinh hoạt cơ bản đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, tại một số vị trí quan trắc, nguồn nước dưới đất có dấu hiệu ô nhiễm, suy giảm, nhất là tại các vùng đô thị, KCN, lưu vực các sông do tiếp nhận nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, chất thải chăn nuôi...
Dự báo đến năm 2025, nguồn nước phục vụ nông nghiệp là 953 triệu mét khối/năm. |
Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Minh Vương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 34 điểm quan trắc chất lượng nước dưới đất; trong đó, có 12 điểm quan trắc tại các khu vực đô thị và 22 điểm quan trắc trên địa bàn huyện Lý Sơn. Kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất cho thấy một số chỉ tiêu như pH, độ mặn, amoni, sắt, nitrat... tại một số vị trí chưa đảm bảo đạt chuẩn về chất lượng. Tại nhiều vị trí quan trắc, các thông số NO3-N, coliform và hàm lượng amoni, nitrat trong nước dưới đất vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Nhất là các mẫu nước lấy tại Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên (Bình Sơn), thuộc Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Lilama và lán trại của công nhân bãi rác Nghĩa Kỳ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Ngoài ra, mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong nước dưới đất tại các giếng trên địa bàn tỉnh rất đáng quan tâm, khi hàm lượng Coliform trong các mẫu quan trắc đều vượt nhiều lần so với giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng tại huyện Lý Sơn, hàm lượng clorua tại các giếng quan trắc nằm ven rìa biển gia tăng theo thời gian, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bảo vệ tài nguyên nước
Tổng nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh hiện nay gần 1,2 tỷ mét khối/năm. Trong đó, nước phục vụ sinh hoạt, du lịch trên 87,5 triệu mét khối; công nghiệp hơn 68,2 triệu mét khối; trồng trọt trên 699,5 triệu mét khối; chăn nuôi gần 34 triệu mét khối... |
Theo phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng lượng nước toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 7,2 tỷ mét khối; trong đó, lượng nước nội sinh đạt khoảng 6,6 tỷ mét khối. Ngoài ra, lượng nước toàn tỉnh còn được bổ sung khoảng 403 triệu mét khối từ 126 hồ chứa nước (121 hồ chứa nước dung tích từ 50 nghìn mét khối trở lên). Trữ lượng tài nguyên nước mặt từ các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh trung bình đạt gần 10,3 tỷ mét khối/năm, tiềm năng nước dưới đất trên 1,2 tỷ mét khối/năm. Tuy nhiên, nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025 tăng cao, nhất là nước công nghiệp (150,6 triệu mét khối/năm), nông nghiệp (953 triệu mét khối/năm), chăn nuôi (48 triệu mét khối/năm)...
Đi kèm với nhu cầu tiêu thụ nước là lượng nước thải phát sinh từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ - du lịch, y tế... rất lớn (khoảng 114 triệu mét khối/năm), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.
Ông Võ Minh Vương nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) có quy định phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Luật này cũng được xem là nền tảng để nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước của cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng qua 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: