Lợi ích của trồng, bảo vệ rừng

18:07, 05/08/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với bảo vệ rừng, ngành lâm nghiệp nỗ lực thực hiện chương trình trồng rừng gỗ lớn và triển khai nhiều mô hình, dự án trồng cây bản địa. Người dân một số địa phương thay vì trồng cây keo cũng đã trồng sến, lim xanh cho giá trị kinh tế cao hơn.
 
Những năm qua, huyện Trà Bồng đã tập trung khuyến khích người dân, nhóm hộ phát triển, chuyển đổi từ rừng trồng keo sang rừng trồng cây gỗ lớn, quý hiếm. Nhận thức được lợi ích lâu dài trong việc trồng cây gỗ lớn, ông Phạm Ngọc Thông, ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình (Trà Bồng), đã chuyển một phần diện tích trồng keo sang trồng cây sến. Ông Thông chia sẻ, cây sến thân thẳng, cao, ít tán, gỗ chắc, thích hợp xẻ đà làm nhà. Một cây gỗ sến trên 5 năm tuổi đã có giá trên 4 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể trồng thêm dưới tán rừng các loại cây ngắn ngày như thơm, gừng gió, ớt xiêm bản địa để có thêm thu nhập thường xuyên. Hiện tôi đang mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, đồng thời triển khai ươm cây giống để bán. 
Vườn sến của ông Phạm Ngọc Thông, ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình (Trà Bồng).
Vườn sến của ông Phạm Ngọc Thông, ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình (Trà Bồng).

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Trà Bồng cũng đã thay đổi nhận thức bán keo non sang trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý rừng quốc tế). Điển hình như ông Hồ Văn Kim, ở thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng) hiện đang có 6ha rừng keo được trồng, bảo vệ theo tiêu chuẩn FSC. Ông Kim cho hay, khi được chính quyền vận động trồng rừng theo tiêu chí FSC, tôi và gia đình băn khoăn nhiều vấn đề, mà lo nhất là thời gian trồng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng rồi được sự hướng dẫn, giải thích của cán bộ chuyên môn, tôi hiểu được lợi ích của trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC nên tham gia.

Không chỉ ở Trà Bồng, nhiều người dân các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây cũng dần thay đổi nhận thức về trồng rừng. Cùng với trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương cũng khuyến khích người dân tăng cường trồng cây bản địa như lim xanh, sến, sao... để tạo hàng rào chắn gió giữ đất, cũng như khôi phục hệ sinh thái cho rừng sản xuất.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà Bùi Đình Lĩnh cho biết, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện bị biến động ở từng thời điểm là do chu kỳ khai thác keo của người dân. Đặc biệt, việc khai thác keo non dẫn đến nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, thay đổi nhận thức của người dân về trồng rừng là điều quan trọng. Một khi có nhiều diện tích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa được hình thành sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Tổng diện tích có rừng toàn tỉnh gần 265 nghìn héc ta (gần 107 nghìn héc ta rừng tự nhiên, hơn 158 nghìn héc ta rừng trồng). Tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm cây phân tán) hiện đạt 52,33%, tăng 6,33% so với năm 2012.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường phối hợp với chủ rừng, các lực lượng chức năng trong việc tuần tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền các cấp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng ổn định, bền vững, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh; kế hoạch số 125/KH-UBND thực hiện Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.  

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:07, 05/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.