Thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu, nuôi tằm

21:43, 11/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã phát triển trở lại nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Võ Văn Hoàng, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết, có một thời gian người nuôi tằm buộc phải bỏ nghề vì tằm không đạt chất lượng, giá kén thấp, không đủ vốn để tiếp tục nuôi. Nhưng nghĩ lại, đây là nghề truyền thống của gia đình, nên tôi học hỏi, tìm tòi và tiếp tục đầu tư để bám trụ với nghề.

Ông Võ Văn Hoàng, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) có nguồn thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Võ Văn Hoàng, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) có nguồn thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Việc nuôi tằm tại thôn Bình Thành thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nuôi tằm đạt chất lượng, bội thu hay không còn tùy thuộc vào con giống, chất lượng cây dâu và công chăm sóc, kỹ thuật của từng hộ gia đình. Năm nay, giá đầu ra của kén ổn định với mức từ 150 - 170 nghìn đồng/kg, giúp nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc, nuôi trồng. Với khoảng 10 sào đất trồng dâu, mỗi lứa nuôi sẽ cho khoảng 80kg kén tằm, trừ chi phí mỗi tháng gia đình ông Hoàng thu về hơn 8 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Bình Thành, có hơn 20 năm làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ông Dũng cho hay, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay ít tốn thời gian hơn trước. Trước kia, chu kỳ nuôi khoảng 18 - 20 ngày, còn nay cơ sở cung cấp giống đã chăm sóc thành tằm con nên chỉ cần nuôi khoảng 13 - 14 ngày là cho ra sản phẩm kén tằm. Tuy nhiên, tằm rất khó chăm sóc, vệ sinh phải thật kỹ ở các khâu thì mới cho ra lứa tằm chất lượng để tạo kén. Gia đình tôi có 7 sào đất để trồng dâu, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi năm thu hoạch 8 - 10 lứa kén tằm.

Thôn Bình Thành có 11 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Mô hình này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển nghề nuôi tằm gắn với du lịch trải nghiệm, quảng bá hình ảnh làng nghề. Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Trịnh Xuân Dũng cho biết, năm 2023, xã Hành Nhân đón hơn 4 nghìn lượt du khách tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, người nuôi tằm trong thôn có thêm nguồn thu nhập. Để nhân rộng mô hình trồng dâu, nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất, địa phương hỗ trợ người dân thực hiện 2ha đất trồng dâu để nuôi tằm, vừa tạo việc làm cho người dân, vừa phục vụ phát triển du lịch tham quan làng nghề. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân nuôi tằm, giúp tăng năng suất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 21:43, 11/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.