Người có công, đất chẳng phụ

06:13, 04/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, hai nông dân Lê Hùng Kiếm (70 tuổi), ở tổ dân phố Đông Thuận, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) và Trần Văn Trúc (55 tuổi), ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) đã miệt mài lao động để rồi gặt hái được “quả ngọt” trên đồng đất quê hương.

Cho đất cằn nở hoa

Đến thăm nhà ông Lê Hùng Kiếm, chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn thấy vườn tiêu và mãng cầu trĩu quả rộng hơn 0,5ha trên vùng đất cát bãi ngang ven biển. Cách đây gần 30 năm, lão nông này quyết tâm thay đổi phương thức làm nông nghiệp truyền thống, để thoát khỏi đói nghèo. Ông Kiếm đã cất công đến các vùng đất ở Tây Nguyên học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp, ông Kiếm quyết định đầu tư trồng tiêu. Nhờ chú trọng đầu tư giống, hệ thống tưới tự động cũng như công chăm sóc, mà vườn tiêu của ông Kiếm cho năng suất rất cao. Từ diện tích nhỏ ban đầu, đến nay, ông Kiếm đã nhân rộng vườn tiêu lên 700 gốc. Vào mỗi vụ chăm sóc, thu hoạch, lão nông này còn tạo việc làm thời vụ cho gần 10 lao động ở địa phương.

Ông Lê Hùng Kiếm, ở tổ dân phố Đông Thuận, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) có nguồn thu nhập khá từ các mô hình trồng trọt.                                     Ảnh: Hải Châu
Ông Lê Hùng Kiếm, ở tổ dân phố Đông Thuận, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) có nguồn thu nhập khá từ các mô hình trồng trọt.                                     Ảnh: Hải Châu

“Trước đây, dẫu có điều kiện thuận lợi là đất đai nhiều, nhưng cật lực trồng trọt mãi cũng chỉ dừng lại ở mức đủ ăn, chứ dư dả thì không có. Từ lẽ đó mà tôi nghĩ mình phải mạnh dạn trồng những cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là, tôi đi đến những vùng đất mới, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để về áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm mà tôi là một trong những người tiên phong ở địa phương đưa cây tiêu về trồng trên vùng đất cát này, để nhiều nông dân khác học tập, ứng dụng theo”, ông Kiếm cho hay.

Không chỉ trồng tiêu, trên vùng đất cát của gia đình, ông Kiếm còn trồng 120 gốc mãng cầu ta. Mãng cầu ta là loại cây ưa nắng, rất thích hợp với thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương. Hơn nữa, mãng cầu ta rất sai quả, mỗi năm sẽ cho trái 2 vụ, giá của mãng cầu ta luôn ở mức cao, từ 40 nghìn đồng/kg trở lên, nên người trồng có nguồn thu nhập khá cao. Ông Kiếm chia sẻ, nhờ mô hình trồng trọt tổng hợp, mà tôi đã đổi thay được cuộc sống và nuôi các con ăn học thành đạt. Do đó, tôi nhận thấy người nông dân muốn làm giàu từ nông nghiệp mà chỉ cần cù, chịu khó thôi thì chưa đủ, phải có sự năng động, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới có thể gặt hái được quả ngọt.

Với mô hình trồng trọt của mình, bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, ông Kiếm có nguồn thu gần 200 triệu đồng. 

Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Vinh Lê Đức Ân nhận xét, ông Lê Hùng Kiếm là một nông dân năng động, dẫu đã có cuộc sống khá giả, nhưng ông không nghỉ ngơi mà luôn tâm huyết trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, ông Kiếm còn nhiệt tình hỗ trợ kinh nghiệm, giống, giúp nông dân ở địa phương nâng cao thu nhập. Ông Kiếm là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền ở địa phương.

Năng động làm giàu

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, ông Trần Văn Trúc đã làm quen với công việc đồng áng. Sau khi lập gia đình, ông Trúc làm rất nhiều việc để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng thu nhập không được là bao, nghèo khó vẫn đeo bám ông. Khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Trúc tích cực tìm hiểu, tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi hiệu quả, kinh tế cao.

Nhận thấy chăn nuôi bò có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh, đất đai của gia đình lại có lợi thế trồng cỏ nuôi bò, ông Trúc quyết định đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò. Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay trang trại chăn nuôi bò của ông Trúc có khoảng 25 con bò (có thời điểm lên đến 40 con bò). Ngoài ra, trên diện tích gần 1.000m2, ông Trúc xây dựng hơn 500m2 chuồng nuôi heo và trên 400m2 chuồng nuôi gà.

Trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Trúc, ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).                                 Ảnh: Kim Trang
Trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Trúc, ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).                                 Ảnh: Kim Trang

“Muốn chăn nuôi hiệu quả, trước hết cần phải lựa chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, phải tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh phun khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; chăm sóc, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng”, ông Trúc bộc bạch.

Hiện tại, trang trại chăn nuôi của ông Trúc có 25 con bò, trong đó có 10 con bò sinh sản; khoảng 150 con heo thịt và hơn 100 con gà. Mỗi năm, mô hình chăn nuôi tổng hợp này mang về cho gia đình ông Trúc hàng trăm triệu đồng.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Trúc còn là Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi bò vỗ béo ở địa phương. Ông tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của chi hội đề ra. Nhiều năm liền, ông Trúc vinh dự được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và được huyện, xã biểu dương, khen thưởng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thuận Nguyễn Minh đánh giá, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Trần Văn Trúc là mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả nhất ở địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho những hội viên khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại những hộ có mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

H.CHÂU - K.TRANG

TIN,  BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:13, 04/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.