(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) là công trình trọng điểm quốc gia, có yêu cầu rất cao về kỹ thuật thi công. Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong thi công.
Tiên phong ứng dụng công nghệ BIM
Công nghệ BIM (Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án. Từ năm 2023, BIM đã trở thành quy định bắt buộc đối với các công trình cấp I của các dự án đầu tư công; từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với công trình cấp II trở lên.
Thực hiện quy định này, Tập đoàn Đèo Cả quyết tâm trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng BIM vào các hoạt động của đơn vị, trong đó có cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả đã trang bị đầy đủ thiết bị, nhân lực, đảm bảo việc ứng dụng BIM đạt hiệu quả cao nhất.
Kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả định vị tim tuyến công trình phục vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. |
Tại cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, mô hình thông tin công trình được triển khai thực hiện ngay từ giai đoạn bắt đầu thực hiện dự án. Theo đó, ban điều hành dự án đã hợp tác với các đơn vị tư vấn triển khai hạng mục Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án tại 3 gói thầu XL01, XL02 và XL03.
Cụ thể, trong giai đoạn bắt đầu triển khai thi công, nhà thầu tiến hành sử dụng UAV LIDAR để quét laser 3D hiện trạng, xử lý số liệu khảo sát point cloud (đám mây điểm) để xây dựng bề mặt hiện trạng và xác định phạm vi thiết kế. Dữ liệu point cloud thu thập được đã ghi lại hàng triệu điểm trên bề mặt các vật thể trong môi trường, sau đó tạo ra một "đám mây" các điểm trong không gian 3D. Từ đó, tạo mô hình kỹ thuật số chính xác hiện trạng công trình, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế bản vẽ thi công...
Ứng dụng BIM cũng hỗ trợ phát hiện xung đột giữa các thành phần của công trình, chẳng hạn như sự va chạm giữa đường ống dẫn và dầm kết cấu. Không chỉ vậy, BIM cũng đóng vai trò là nền tảng dữ liệu chung cho phép tích hợp tất cả dữ liệu về thiết kế, kết cấu, cơ điện và hệ thống kỹ thuật vào một mô hình 3D duy nhất. Các nhóm thiết kế của các hạng mục khác nhau cùng phối hợp thực hiện, nhờ đó tăng tính đồng bộ trong thiết kế, giúp các bộ phận làm việc cùng nhau hiệu quả hơn, tránh sai lệch. Các thông tin, văn bản khác như biên bản nghiệm thu cũng được tích hợp vào trong mô hình để thuận tiện cho công tác theo dõi thực hiện.
Đầu tư công nghệ, phát triển bền vững
Theo đánh giá của Tập đoàn Đèo Cả, từ ứng dụng BIM đã cho phép Ban điều hành dự án trích xuất khối lượng vật tư, vật liệu cần sử dụng tương ứng với khối lượng công việc cần thực hiện. Điều này hỗ trợ quản lý chi phí tốt hơn và dự báo chính xác các yêu cầu về nguồn lực cho dự án, giảm thiểu rủi ro về chi phí phát sinh ngoài ý muốn, tăng tính khả thi và hiệu quả tài chính cho dự án. Ngoài ra, BIM còn hỗ trợ thiết kế và mô tả biện pháp, phương pháp thi công tại hầm số 2 thông qua mô phỏng bằng 3D từng công đoạn, như khoan và tạo lỗ nổ, lắp đặt thuốc nổ, khoan đục, vận chuyển đất đá, giúp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thi công hầm.
Thảm nhựa tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn qua huyện Nghĩa Hành. |
Hiện dự án đang triển khai quy trình EIR (Employer’s Information Requirements - Bản yêu cầu thông tin của chủ đầu tư) và BEP (BIM Execution Plan - Kế hoạch triển khai BIM) được khoảng 50% khối lượng. Trong đó, có một số phân đoạn, Ban điều hành lựa chọn để triển khai BIM chi tiết theo mức LOD 350 - 400; các phân đoạn còn lại theo mức LOD 200 - 300.
Các phần taluy cửa hầm và quảng trường, bê tông cốt thép hầm, bố trí cốt thép cho dầm, trụ, mố cầu... được thiết kế mô hình 3D đến từng kết cấu. Chính nhờ mô hình này, các bên liên quan có thể dễ dàng nắm bắt thiết kế công trình và phát hiện sớm các sai sót để điều chỉnh kịp thời. Từ đó, giảm thiểu lỗi trong thiết kế, tránh việc phải sửa chữa khi thi công, tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo kế hoạch, tiến độ BIM của gói XL01 sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2025, gói XL02 hoàn thành vào 31/8/2025 và gói XL03 hoàn thành vào 31/12/2025 theo tiến độ thi công của dự án.
Hiện nay, việc thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được triển khai linh hoạt theo tình hình thời tiết. Cụ thể, Ban chỉ huy công trường gói thầu XL02 chỉ đạo tập trung hoàn thiện hầm số 1 và hầm số 2; đẩy nhanh tiến độ thi công hầm 3 và một số cầu, cống trên tuyến chính. Riêng Ban chỉ huy công trường gói thầu XL01 thì tập trung thi công hoàn thiện các cầu lớn (hiện đã có 30/77 cầu lắp dầm, triển khai thi công bản mặt cầu) và cấp phối đá dăm tại những vị trí đã hoàn thiện đắp đất nền đường. Toàn công trường hiện vẫn duy trì việc làm cho khoảng 4.000 công nhân, kỹ sư với 50 mũi thi công, làm việc 3 ca, 4 kíp. |
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả Lê Quỳnh Mai cho biết, khi ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là BIM, có hai mục tiêu được đặt ra là nâng cao hiệu quả về kinh tế và giải quyết các vấn đề mà cách thức làm việc thông thường không thể giải quyết được. Tuy nhiên, khi đưa một công nghệ vào thực tế cần phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo nhân sự, do đó luôn phát sinh một khoản chi phí ít hay nhiều tùy thuộc vào quy mô ứng dụng. Tập đoàn Đèo Cả đang từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước chuyển đổi, nâng cao hiệu suất công việc.
Cũng theo ông Lê Quỳnh Mai, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến làm tăng chi phí so với cách triển khai thông thường, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích to lớn. Bởi vì, chỉ có công nghệ mới giải quyết được những yêu cầu mới của dự án có quy mô lớn mà Tập đoàn Đèo Cả được tin tưởng lựa chọn. “Trong bối cảnh chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có ứng dụng công nghệ số mới giúp cho doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, giải quyết được những vấn đề đang tồn tại, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững”, ông Lê Quỳnh Mai nói.
Bài, ảnh: NHỊ XUÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: