Cầu Nước Bua dở dang vì… vướng mặt bằng

08:30, 24/09/2024
.

(Baoquangnngai.vn)- Khởi công từ tháng 3/2022, song đến nay cầu Nước Bua ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) vẫn còn dang dở vì vướng mặt bằng. Hằng ngày, người dân địa phương phải qua lại trên chiếc cầu cũ đã xuống cấp, không an toàn.

Công trình "trùm mền"

Dự án cầu Nước Bua bắc qua sông Nước Bua, xã Sơn Bua (Sơn Tây), thuộc dự án Đường Đông Trường Sơn đoạn qua địa bàn huyện Sơn Tây. Cầu có chiều dài gần 1km, gồm 5 nhịp, tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng do Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA) 46 làm đại diện chủ đầu tư. Công trình được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023. 

Công trình cầu Nước Bua mới cơ bản hoàn thành các nhịp cầu và mặt cầu.
Công trình cầu Nước Bua mới đã cơ bản hoàn thành các nhịp cầu và mặt cầu.

Đến nay, thời gian thi công theo giấy phép thi công đã hết hạn, tuy nhiên công trình cầu Nước Bua vẫn còn trong tình trạng dở dang và đã ngừng thi công nhiều tháng qua. 

Theo quan sát của chúng tôi, đến thời điểm này, cầu Nước Bua đã thi công cơ bản hoàn thành các nhịp cầu và mặt cầu; còn lại, phần đường dẫn 2 đầu cầu chưa triển khai thi công do chưa giải phóng được mặt bằng.

 
Vướng mặt 2 bên đầu cầu nên công trình cầu Nước Bua mới chưa thể hoàn thành.
Vướng mặt bằng 2 bên đầu cầu nên công trình cầu Nước Bua chưa thể hoàn thành.

Dự án cầu Nước Bua có tổng diện tích chiếm đất gần 2ha, có 17 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng; trong đó, 15 hộ thuộc diện thu hồi đất phải tái định cư.

Để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban QLDA 46 đã ký kết hợp đồng với UBND huyện Sơn Tây thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Theo kế hoạch, đến giữa năm 2022, huyện Sơn Tây phải bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công. Song, đến nay mặt bằng phía 2 bên đầu cầu vẫn chưa được giải phóng. Mặc dù, thời gian qua, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã nhiều lần gửi văn bản đốc thúc huyện Sơn Tây trong đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB.

Mong mỏi công trình sớm hoàn thành

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều làm tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 11 hộ/17 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vì chưa thống nhất với phương án bồi thường của địa phương đưa ra.

“Sắp tới đây, Ban QLDA 46 sẽ làm việc Hội đồng bồi thường, UBND huyện Sơn Tây, UBND xã Sơn Bua và các hộ dân để thống nhất phương án bồi thường và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc, tồn tại, cũng như kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng, nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để triển khai thi công và hoàn thiện cầu Nước Bua", Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết. 

Cầu Nước Bua cũ đã xuống cấp trầm trọng.
Cầu Nước Bua cũ đã xuống cấp trầm trọng.

Cầu Nước Bua mới thi công dang dở, chưa được đưa vào khai thác, nên hằng ngày, phương tiện giao thông vẫn qua lại bằng cầu Nước Bua cũ. Điều đáng lo ngại là công trình cầu Nước Bua cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, do trong đợt mưa lũ năm 2020, cầu bị  hư hỏng nặng, trụ cầu T10 bị sụt lún, mặt cầu bị võng,… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trước tình trạng xuống cấp của cầu Nước Bua cũ, người dân bày tỏ lo ngại về tính an toàn của cầu, nhất trong mùa mưa bão đang đến gần. "Mỗi ngày người dân chúng tôi qua lại trên cầu, trong khi cầu ngày càng xuống cấp nên cảm thấy rất bất an. Mong sao chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và đơn vị thi công sớm hoàn thiện để người dân đi lại an toàn, vơi bớt nỗi lo trong mùa mưa lũ", ông Đinh Văn Nên ở xã Sơn Bua lo lắng.

Cầu xuống cấp nên người dân rất bất an mỗi khi qua lại, nhất là trong thời điểm mưa, lũ.
Cầu xuống cấp nên người dân rất bất an mỗi khi qua lại, nhất là trong thời điểm mưa, lũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, nhằm đảm an toàn cho người và phương tiện qua cầu Nước Bua cũ, UBND huyện đã báo cáo với Sở GTVT và các đơn vị liên quan để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của cầu, từ đó có phương án xử lý, tổ chức phân luồng giao thông phù hợp, đặc biệt là trong mùa mưa bão. 

Người dân ong muốn cầu Nước Bua sớm hoàn thành để việc đị lại của người dân được an toàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Người dân mong muốn cầu Nước Bua sớm hoàn thành để việc đi lại của người dân được an toàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong thời gian chờ chính quyền địa phương GPMB và để đảm bảo an toàn công trình cầu Nước Bua cũ, cũng như đảm bảo lưu thông thông suốt trên tuyến đường Trường Sơn Đông, Khu Quản lý đường bộ III đã có văn bản đề nghị Ban QLDA 46 chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương triển khai vuốt nối đường 2 đầu cầu Nước Bua mới để chủ động có phương án phân luồng cho các phương tiện lưu thông trên cầu Nước Bua mới, nhằm phòng ngừa sự cố xảy ra trên công trình cầu Nước Bua cũ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Ngãi có tổng chiều dài hơn 37km, có điểm đầu tại xã Sơn Bua giáp với xã Trà Vân (Quảng Nam) và điểm cuối tại xã Sơn Lập giáp với xã Ngọc Tem, huyện Konplong (Kon Tum). Dự án chia làm 9 gói thầu, đến nay đã có 8 gói thầu hoàn thành. Gói thầu số 9 cầu Nước Bua là gói thầu cuối cùng của dự án.

PV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 08:30, 24/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.