(Báo Quảng Ngãi)- Việc xây dựng các hầm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, Bộ GTVT đã thống nhất đề xuất thông hầm trước thời hạn của nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả. Hiện chiến dịch thi đua 100 ngày đêm thông hầm số 2 đã vào cuộc khẩn trương trên công trường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra hiện trường thi công hầm số 2 tại xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Ảnh: PV |
Nỗ lực về đích sớm
Chiến dịch “Thi đua 100 ngày đêm thông hầm số 2” trên cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hiện đã khởi động được 25 ngày đêm. Suốt quãng thời gian ấy, trong hầm, ngày cũng như đêm, dưới ánh đèn điện, tiếng máy rộn vang liên tục. Từng mét đường hầm dần được xuyên qua, chặng đường khai ánh sáng cuối đường hầm đang từng ngày ngắn lại. Phấn đấu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ thông hầm số 2, qua đó mở ra nhiều giá trị mới mà con đường huyết mạch Bắc - Nam mang lại.
Tại lễ phát động “Thi đua 100 ngày thông hầm số 2” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ thông hầm số 2 có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy tiến độ toàn dự án. Cụ thể là, vừa rút ngắn tiến độ, thời gian, vừa tận dụng, điều phối hơn 1 triệu mét khối vật liệu xây dựng phục vụ xây lắp toàn dự án. |
Chúng tôi có mặt tại công trường thi công hầm số 2 dài gần 700m, thuộc gói thầu XL02 tại xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), đường hầm đã đào sâu vào lòng núi. Đại diện Ban chỉ huy công trường cho biết, ống hầm trái đã đào được gần 600m, ống hầm phải đào được 415m. Mặc dù thời tiết ở khu vực công trường đang có mưa lớn, song do hầm đã đào sâu vào bên trong nên không chịu ảnh hưởng của thời tiết, tiến độ vẫn đạt theo kế hoạch đề ra. Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông cho biết, nhà thầu đang tập trung cho mục tiêu thông hầm số 2 trong 75 ngày tới. Công nhân, máy móc làm việc liên tục 24/24 giờ, triển khai đồng loạt các mũi thi công để rút ngắn tối đa thời gian, quyết tâm về đích sớm hơn 4 tháng so kế hoạch ban đầu.
Theo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn, có chiều dài 88km, đi qua 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi (hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m, hầm 3 dài 3.200m) trong đó hầm 2 nằm giữa hai hầm 1 và hầm 3. Việc thông hầm 2 giúp hình thành được tuyến đường mới vận chuyển vật tư, vật liệu và thiết bị vào thi công hầm 3. Khi thông hầm 2 rồi thì đường công vụ đi lại thi công hầm 3 chỉ còn khoảng 700m, thay vì vận chuyển theo đường đèo là 3.600m. Từ đó giảm chi phí, thời gian thi công và cũng là giải pháp an toàn hơn vì không phải đối mặt với đường đèo dốc nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ đang về.
Áp dụng phương pháp thi công mới
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, để thông hầm trước kế hoạch, Tập đoàn Đèo Cả kết hợp kinh nghiệm đã thực hiện thành công nhiều công trình hầm lớn trước đây như Hải Vân 2, Đèo Cả, Cù Mông... với phương pháp, công nghệ mới. Hiện tại, công trường thi công hầm tại Quảng Ngãi đang áp dụng phương pháp NATM. Đó là một phương pháp thi công hầm dưới mặt đất, sử dụng tất cả phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đất, đá nhằm có được sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất. Đồng thời, cải tiến phương pháp đào hầm rút ngắn thời gian 1 chu kỳ và tăng số lượng mũi thi công từ 4 mũi thông thường lên 6 mũi sáng tạo. Mục đích giúp tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, giảm chi phí nhân công, máy móc.
“Hiện tại máy móc, thiết bị được sử dụng thi công hầm là máy chuyên dụng, hiện đại. Công tác tổ chức thi công chuyên nghiệp, từ khâu điều phối máy móc thiết bị, con người đến biện pháp thi công. Bởi vì trong không gian hầm rất hẹp, một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra những sự cố khó lường”, ông Nguyễn Tấn Đông chia sẻ.
Công trường thi công hầm số 2 gói thầu XL02 tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: PV |
Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả đã tập trung triển khai áp dụng sáng kiến sử dụng tuần hoàn nước trong thi công, tiết kiệm tới 95% lượng nước sử dụng trong đào hầm, hạn chế tối đa việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ thi công. Hiện tại, nguồn nước ngầm phục vụ thi công hầm khoảng 100m3/ngày, mạch nước ngầm cung cấp rất hạn chế. Ban điều hành đã nghiên cứu sử dụng nước tuần hoàn bằng cách tiến hành thu gom nước máy khoan ra, lọc để bơm ngược lại tái sử dụng. Phương pháp này tận dụng được khoảng 95% lượng nước khoan hầm thải ra, nhờ đó lượng nước tiêu hao hằng ngày chỉ còn dưới 5m3, thay vì 100m3 như thường lệ.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả còn xây dựng Trung tâm Quản lý chất lượng - An toàn lao động- Vệ sinh môi trường ngay tại văn phòng hiện trường dự án. Việc này tuy không nằm trong yêu cầu thi công, nhưng quá trình học tập nghiên cứu tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo xây dựng thực hiện. Mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến công tác đảm bảo an toàn lao động và quản lý chất lượng môi trường trong thi công, hạn chế ảnh hưởng từ thi công công trình đến cuộc sống dân sinh.
Động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt
Theo kế hoạch, chỉ còn 75 ngày đêm nữa là hầm 2 cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn sẽ thông. Chiến dịch này đã được Tập đoàn Đèo Cả đặt quyết tâm rất cao, thi đua lao động để không chậm tiến độ. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cũng mong muốn khi kết thúc chiến dịch này, Bộ GTVT tổ chức tổng kết đánh giá, khen thưởng các cá nhân và tập thể đã tích cực tham gia và hoàn thành tốt phong trào thi đua; đồng thời kiểm điểm xử lý các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện tại, trong liên danh nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cũng có một số đơn vị chưa thực hiện tốt phần việc hợp đồng đã cam kết, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Vì thế, với tư cách là đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra năng lực nhà thầu phụ để đốc thúc tiến độ. Nếu không có chuyển biến tích cực, Bộ GTVT cần sớm có biện pháp chấn chỉnh như cắt, giảm hợp đồng, điều chuyển khối lượng, thậm chí là cấm tham gia các dự án của Bộ GTVT, không để xảy ra tình trạng phải “giải cứu khẩn” như tại một số dự án trước đây.
Riêng về phía tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Đèo Cả mong muốn UBND tỉnh kiểm tra, hướng dẫn việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ cấp cho nhà thầu, quy trình nghiệm thu, thanh quyết toán và sẵn sàng phối hợp xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng còn lại, để khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, trong 1 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, với tổng chiều dài tuyến chính đã bàn giao 53,4/60,3km, tương đương gần 90%; xây dựng 23 khu tái định cư để di dời 1.075 hộ dân bị ảnh hưởng. Khối lượng mặt bằng còn lại khoảng 10%, tỉnh sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động người dân tự nguyện chấp hành, cam kết bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
THANH NHỊ - THANH XUÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: