Đổi mới quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

10:10, 03/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã và đang chú trọng đổi mới công tác quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, nhằm tận dụng, phát huy tốt đa lợi thế của các KKT, KCN trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
 
Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Quản lý KKT Hải Phòng về quản lý và phát triển các KKT, KCN. Tại buổi làm việc, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý KKT, KCN, đặc biệt là gắn phát triển kinh tế với lợi thế cảng biển, tập trung thu hút đầu tư các dự án chất lượng, mang lại giá trị kinh tế lớn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Với điều kiện địa hình và địa lý có nhiều điểm tương đồng, Quảng Ngãi cũng có thể khai thác lợi thế, phát triển các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh theo hướng đi của TP.Hải Phòng", ông Kiên nói.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền tặng quà lưu niệm cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Ảnh: VĂN HƯNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền tặng quà lưu niệm cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Ảnh: VĂN HƯNG

Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT Hải Phòng, tính đến tháng 6/2024, các KKT, KCN trên địa bàn thành phố đã thu hút 784 dự án, với tổng vốn đạt gần 38,3 tỷ USD. Trong đó, có 561 dự án FDI, với vốn đầu tư gần 24,6 tỷ USD và 223 dự án đầu tư trong nước. Từ năm 2021 đến nay, Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với tổng vốn thu hút đạt 12,56 tỷ USD. Điều này đã đưa Hải Phòng trở thành 1 trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 3 năm liên tiếp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Hải Phòng đã trao đổi kinh nghiệm về cơ chế và chính sách đặc thù phát triển "thành phố hoa phượng đỏ". Trong đó, tập trung vào mô hình đầu tư và quản lý hạ tầng KKT, KCN, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của KKT Hải Phòng. Đồng thời, trao đổi về những kết quả của việc thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái tại KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện TP.Hải Phòng có 14 KCN đã được thành lập, với quy mô 6.144ha, trong đó 11 KCN đã đi vào hoạt động. Trong 11 KCN này, có 2 KCN đang được Ban Quản lý đề xuất chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái là KCN Đình Vũ và KCN Nam Cầu Kiền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cảm ơn những kinh nghiệm quý báu mà TP.Hải Phòng đã chia sẻ, đặc biệt về quy hoạch hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý môi trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động. Đây là những kinh nghiệm mà Quảng Ngãi rất cần học tập để áp dụng vào thực tiễn địa phương, đổi mới công tác quản lý KKT Dung Quất, các KCN, tăng sức cạnh tranh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. 

Theo quy hoạch, KKT Dung Quất có diện tích trên 45 nghìn héc ta, gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất. Sau hơn 27 năm hình thành, KKT Dung Quất đã phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công của cả nước. Đây là trung tâm sản xuất công nghiệp, hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện tại, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã thu hút đầu tư 349 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 18,37 tỷ USD. Hiện có 256 dự án đang hoạt động sản xuất và kinh doanh ổn định; trong đó, có 195 dự án sản xuất công nghiệp, với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt hơn 121 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 117 lần so với năm 2004.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và học tập kinh nghiệm này, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tham quan các KCN, các công trình trọng điểm và khu vực cảng cửa ngõ quốc tế của TP.Hải Phòng.

NHỊ HƯNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:10, 03/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.