(Báo Quảng Ngãi)- Vụ cá Bắc thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Đây là một trong những vụ đánh bắt chính của ngư dân với những đối tượng thủy sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực nang... Tuy nhiên, vụ cá Bắc năm nay đối mặt với nhiều khó khăn, khiến ngư dân thất thu.
Từ đầu tháng 11 đến nay, thời tiết không thuận lợi, biển động liên tục, nên thời gian nằm bờ của tàu cá nhiều hơn; một số tàu đầu tư thiết bị dự báo thời tiết hiện đại chủ động canh thời tiết đi vùng biển Trường Sa. Ngư dân Lê Thái Khương, chủ tàu cá QNg 97245 TS, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chuyên hành nghề lưới rê chia sẻ, thông thường khoảng ngày 16 - 18 âm lịch, các tàu sẽ xuất bến để đi đánh bắt. Tuy nhiên, vào mùa này chúng tôi thường canh thời tiết, biển êm ngày nào thì đi ngày đó. Vụ cá Bắc, chúng tôi thường đi vùng biển Trường Sa và luôn cập nhật thời tiết để chủ động tránh trú khi biển động.
Ngư dân phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) kiểm tra, quét sơn lại tàu để chuẩn bị cho những phiên biển mới. |
Theo ngư dân Huỳnh Văn Tuấn, chủ tàu cá QNg 90879 TS, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), năm trước, trong vụ cá Bắc, tàu của ông thu được nhiều mẻ cá thu, cá ngừ giá trị cao. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi chuyến biển, bạn thuyền cũng được chia từ 6 - 10 triệu đồng/người. Nhưng bước vào vụ cá Bắc năm nay, do thời tiết bất lợi nên tàu ít đi, có chuyến vừa đi được vài hôm thì đài báo thời tiết xấu nên lại quay vào bờ tránh trú. Dù khó khăn nhưng chúng tôi không thể bỏ vụ cá Bắc, bởi nếu may mắn thì thu nhập từ vụ này sẽ rất cao.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tàu chuyên đánh bắt xa bờ và hơn 1.700 tàu chuyên đánh bắt vùng lộng, gần bờ. Trên các ngư trường truyền thống, ngoài các đàn cá nổi như cá cơm, cá nục, cá trích, cá khoai thì các loại cá sống ở tầng đáy như cá thu, cá ngừ, cá hố, cá cờ... cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, tranh thủ những ngày biển êm, ngư dân cho tàu vươn khơi đánh bắt hải sản, với hy vọng sẽ có một cái Tết đủ đầy.
Ngư dân phường Phổ Quang kiểm tra máy móc, chuẩn bị phiên biển mới. |
Để có nguồn thu nhập, nhiều chủ tàu đã đầu tư thêm tàu nhỏ để hành nghề đánh bắt gần bờ. “Tôi có chiếc tàu công suất 450CV, chuyên đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa. Tuy nhiên, vào mùa biển động tôi thường neo tàu ở cảng Tịnh Hòa và dùng tàu nhỏ để thả lưới ven bờ kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”, ngư dân Lê Khanh, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho hay.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, hiện chi cục vẫn đang đồng hành, hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển. Tăng cường thông tin tình hình thời tiết, dự báo ngư trường, vùng khai thác đến ngư dân. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra trang thiết bị an toàn trên tàu cá trước khi xuất bến ra khơi; kiên quyết không để tàu thuyền xuất bến khi trên biển xuất hiện áp thấp nhiệt đới hay đợt gió mùa đông bắc. Khuyến khích ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động và giúp nhau nâng cao năng lực đánh bắt, ổn định đầu ra sản phẩm. Các chủ tàu khai thác xa bờ cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản thủy sản.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: