(Báo Quảng Ngãi)- Trước dự báo diễn biến mùa mưa bão năm nay phức tạp, khó lường, người nuôi thủy sản ven biển trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị các phương án ứng phó, phòng ngừa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Năm 2024, ông Trần Minh Hùng, ở thôn Đông An Hải (Lý Sơn), thả nuôi 5 lứa cá bớp theo hình thức gối vụ, với gần 50 ô lồng. Để ứng phó với mưa bão, tránh thiệt hại tài sản, vừa qua, ông Hùng đã lựa những con cá lớn bán trước. Số còn lại, ông Hùng tập trung chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho cá.
Các hộ nuôi cá trong lồng bè ở Lý Sơn chọn cá lớn để bán trước mùa mưa bão. |
Ông Hùng chia sẻ, trước mỗi mùa mưa bão tôi đều kiểm tra lại lồng bè; chỗ nào không đảm bảo, tôi sẽ gia cố lại cho chắc chắn. Hiện tôi còn khoảng 7.000 con cá bớp. Trong đó, khoảng 4.000 con tôi nuôi để bán trong dịp Tết năm nay. Nuôi cá lồng bè trên biển trong mùa mưa bão có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, các hộ ở đây nuôi nhiều năm, có kinh nghiệm nên việc di chuyển các lồng bè vào nơi tránh trú an toàn luôn được thực hiện ở thế chủ động, không đợi chính quyền nhắc nhở.
Được biết, toàn huyện Lý Sơn có 55 bè nuôi thủy sản, với 1.640 ô lồng. Sản lượng thu hoạch năm 2024 ước đạt 450 tấn, giá trị nuôi trồng thủy sản trong năm ước đạt hơn 83,6 tỷ đồng, ước đạt 102,27% kế hoạch năm.
Các hộ nuôi tôm ở xã Bình Châu (Bình Sơn) giăng lưới quanh hồ tôm, phòng tránh nước dâng cao trôi tôm ra ngoài. |
Trưởng ban Quản lý cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn Lê Thanh Hải cho biết, bên cạnh sắp xếp tàu thuyền vào tránh trú bão, chúng tôi cử cán bộ trực, cùng với BĐBP hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản trên biển di chuyển lồng bè vào cảng neo trú tàu thuyền theo đúng vị trí quy định để tránh trú khi có bão.
Trên địa bàn TX.Đức Phổ hiện có khoảng 150ha nuôi thủy sản nước lợ, trong đó có 87ha nuôi trên cát và 63ha nuôi vùng triều. Nhiều năm qua, hoạt động nuôi cá lồng bè, nuôi hàu ở khu vực biển Sa Huỳnh của người dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đây là khu vực có nhiều rủi ro khi có bão, lũ.
“Có nhiều đợt mưa, nước từ các ngọn núi phía tây đổ xuống khu vực nuôi, cuốn phăng lồng bè ra biển. Vì vậy, để chủ động ứng phó, chúng tôi đã neo buộc và gia cố lại lồng bè an toàn để tránh va đập khi có gió lớn. Đối với các lồng bè nằm ở nơi có nguy cơ bị triều cường đe dọa cũng luôn trong tư thế sẵn sàng kéo về nơi an toàn”, ông Cao Nhanh, một hộ nuôi cá lồng bè ở phường Phổ Thạnh, chia sẻ.
Tổng diện tích thả nuôi thủy sản trong toàn tỉnh đến thời điểm này khoảng 1.350ha (đạt 99,95% kế hoạch năm); sản lượng ước đạt 8.530 tấn (78,16% kế hoạch năm). Trong đó, diện tích thả nuôi nước lợ hơn 485ha, sản lượng ước đạt 7.020 tấn. Đối với nuôi thủy sản trên biển (Lý Sơn, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi), thể tích lồng nuôi ước đạt hơn 156 nghìn mét khối. Con giống thả nuôi chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá mú, cá bè vẫu, cá cam, hàu Thái Bình Dương và một số lồng nuôi tôm hùm. Sản lượng thu hoạch tính đến tháng 10/2024 ước đạt 560 tấn. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông lưu ý, mưa lớn sẽ làm thay đổi độ mặn ở khu vực nuôi trên biển và cửa sông. Thêm vào đó, nước từ các nơi đổ về khu vực đang nuôi làm thay đổi đột ngột môi trường sống sẽ khiến thủy sản nuôi bị sốc, mắc bệnh và chết. Ngoài ra, mưa kèm bão có thể làm trôi, hư hỏng các lồng bè nuôi, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Do đó, các hộ nuôi cần kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng; đặc biệt lưu ý tránh các khu vực có thể bị nước lũ từ các con sông đổ về. Trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió; che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để đối tượng thủy sản nuôi không lọt ra ngoài khi có thiên tai.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: