(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, nhiều ngư dân tranh thủ kéo tàu lên các triền đà để tu sửa, vá lại lưới, mua sắm ngư cụ chờ thời tiết thuận lợi để ra khơi bắt đầu vụ cá Bắc.
Những ngày này, tại các triền đà dọc theo sông Bài Ca, thuộc xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), số lượng tàu thuyền về để sửa chữa, làm nước khá nhiều. Các nhóm thợ chia ca thay nhau tu sửa, làm mới lại các bộ phận trên từng con tàu. Tiếng búa, máy đục, máy cưa, máy nổ vang liên hồi làm nhộn nhịp cả làng chài.
Sau 4 tháng đối mặt với sóng to gió lớn trên biển, tàu cá QNg 90799 TS hành nghề lưới vây của anh Nguyễn Văn Việt, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bị hư hỏng nhiều, nên anh quyết định bỏ ra cả trăm triệu đồng để sửa chữa lại. Anh Việt chia sẻ, thông thường mỗi năm tôi cho tàu lên bờ 2 - 3 lần để sửa chữa. Tuy nhiên, đợt sửa chữa chính thường tập trung vào cuối năm, vì đây là thời điểm biển động, tàu thuyền phải nằm bờ nên không ảnh hưởng đến công việc đánh bắt. Nếu không có gì thay đổi, chỉ vài ngày nữa tôi sẽ cho tàu hạ thủy, bắt đầu vụ cá Bắc.
Tàu được đưa lên bờ để sửa chữa, làm mới. |
Cách tàu của anh Việt không xa là con tàu gần 400CV của ông Ngô Bức, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), cũng nằm ngay ngắn trên triền đà để chờ “thay áo mới”. “Đây là con tàu tôi vừa mới mua lại của người khác nên cần phải sửa chữa nhiều thứ như sơn chống hà, gia tăng độ bền, hệ thống bánh lái, chân vịt. Vụ cá Bắc năm nào thời tiết cũng khắc nghiệt, thường có bão. Do đó, để chuyến biển ra khơi an toàn, việc kiểm tra, tu sửa máy móc là hết sức cần thiết. Đợt này tôi chi ra 200 triệu đồng để tu sửa con tàu với hy vọng sẽ thắng lợi trong mùa biển mới”, ông Bức bày tỏ.
Việc tu sửa, nâng cấp “thay áo mới” cho tàu đã trở thành thông lệ hằng năm của các chủ tàu. Theo các chủ tàu, trung bình mỗi chiếc tàu một lần tu bổ, làm mới lại mất từ 40 - 200 triệu đồng. Cá biệt có những tàu “đại tu” thì tốn gần 300 triệu đồng. Do đó, để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, các chủ tàu cũng tích cực tham gia vào việc làm nước cho tàu.
Vào mùa cao điểm sửa chữa tàu thuyền cũng đem lại việc làm cho nhiều lao động trên bờ. Anh Dương Văn Thành, chuyên làm nghề mộc, ở xã Bình Châu tâm sự, tôi gắn bó với nghề này đã hơn 20 năm. Hằng năm, bắt đầu từ cuối tháng 9 đến cuối năm, công việc lúc nào cũng bận rộn vì số lượng tàu đưa lên bờ sửa chữa nhiều. Nghề này tuy vất vả vì suốt ngày ở ngoài trời, tuy nhiên so với ngư dân đi biển, mình đỡ vất vả hơn nhiều. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 600 - 700 nghìn đồng. Khoản thu nhập này tính ra vẫn cao so với nhiều nghề, giúp tôi có tiền lo cho gia đình.
Theo các ngư dân, vụ cá Nam năm nay chỉ thuận lợi ở đầu vụ, còn từ giữa vụ về sau sản lượng và giá cá đều giảm, nên sau khi trừ hết phí tổn, ngư dân chẳng lãi được bao nhiêu sau mỗi chuyến biển. Do vậy, họ đã sẵn sàng tâm thế vươn khơi vụ cá Bắc với niềm tin cá tôm sẽ đầy khoang, thời gian khai thác kéo dài đến cuối năm để ngư dân đón cái Tết cổ truyền ấm no, đủ đầy.
Bài, ảnh: AN NHIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: