Doanh nghiệp chế biến thủy sản: Nan giải bài toán thiếu nguyên liệu

09:22, 26/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chủ động được nguồn nguyên liệu thủy sản chế biến, nhất là tôm, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản của tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động.

Thiếu nguyên liệu trầm trọng

Công ty TNHH Hải sản Nghi Bông, KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) chuyên hoạt động gia công, chế biến tôm để xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, DN này phải ngừng hoạt động vì không có nguồn nguyên liệu tôm để chế biến.

Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Nghi Bông Phạm Thị Bông cho biết, từ sau dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất tại DN gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã đến khắp các vùng nuôi trong tỉnh, ngoài tỉnh để tìm nguồn nguyên liệu nhưng không có. Để chủ động về nguồn nguyên liệu, DN đã làm việc với các hộ nuôi tôm trong tỉnh để bao tiêu đầu ra, nhưng khi có thương lái thu mua giá cao hơn thì người nuôi lại phá vỡ cam kết. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong những tháng tới thì DN khó có thể trụ được.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) chế biến tôm xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) chế biến tôm xuất khẩu.

Nhiều DN chế biến thủy sản khác hoạt động trong KCN Quảng Phú cũng gặp khó khăn khi thiếu nguồn nguyên liệu tôm. Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Gallant Dachan Seafood Hồ Thị Hoàng Anh cho hay, hiện DN đang chế biến các sản phẩm từ tôm để xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu. Tuy nhiên, nguồn liệu tôm tại Quảng Ngãi chỉ đáp ứng đủ 30%, số còn lại chúng tôi phải thu mua từ các tỉnh khác. Không chủ động được nguồn nguyên liệu tại Quảng Ngãi khiến DN gặp nhiều bất lợi.

Không chỉ thiếu nguyên liệu tôm, mà nguồn nguyên liệu cá khai thác từ biển cũng không ổn định. “Công ty đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm và cá nguyên con để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines. Đơn hàng thì có quanh năm, nhưng nguồn nguyên liệu chỉ tập trung từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch, những tháng còn lại thường thiếu hụt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) Huỳnh Bạch Cát Quý chia sẻ.

Cần giải pháp tạo nguồn nguyên liệu

Mặc dù Quảng Ngãi có đội tàu hùng mạnh, sản lượng thủy sản khai thác hằng năm lớn (trên 270 nghìn tấn), nhưng chỉ có khoảng 47% sản lượng cập cảng trong tỉnh. Một nghịch lý nữa là, phần lớn sản lượng thủy sản cập cảng trong tỉnh được các thương lái ngoài tỉnh đến thu mua, chở đi tiêu thụ.

Trong khi đó, DN chế biến thủy sản trong tỉnh thiếu nguồn nguyên liệu phải ra tỉnh khác thu mua. Còn đối với sản lượng nuôi tôm trong tỉnh, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các DN chế biến thủy sản trong tỉnh, còn lại phải đi mua nguyên liệu ở các tỉnh khác.

Theo định hướng của Chính phủ, những năm tới sẽ tăng nuôi trồng, giảm khai thác hải sản. Tuy nhiên, nghịch lý là hiện nay, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp. Có những diện tích nuôi tôm hiệu quả lại nằm trong quy hoạch các dự án, như vùng nuôi ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Còn những vùng không nằm trong quy hoạch lại nuôi không hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Bình cho biết, những năm gần đây, do điều kiện thời tiết, môi trường nuôi không thuận lợi nên diện tích nuôi tôm đã giảm đi rất nhiều so với trước. Vì vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu, các DN chế biến tôm cần đặt vấn đề liên kết, hợp tác chặt chẽ với các hộ nuôi trồng thủy sản.

Đối với nguồn nguyên liệu khai thác, các DN cần nghiên cứu sản xuất đa dạng các sản phẩm, không tập trung vào một sản phẩm cụ thể. Đồng thời, đầu tư máy móc hiện đại, kho trữ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Các DN thủy sản kiến nghị, tỉnh cần có chính sách thiết thực, hiệu quả hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng cả nước nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng thủy sản để các DN thủy sản được tiếp cận thị trường Châu Âu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, gắn với xây dựng chuỗi giá trị (liên kết dọc) từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mới giúp DN chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản.

Quảng Ngãi hiện có 17 DN chế biến thủy sản được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cấp phép đang hoạt động tại KCN Quảng Phú, với công suất đăng ký gần 50 nghìn tấn sản phẩm/năm. Trong đó, có 7 DN có hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Giai đoạn 2020 - 2023, tổng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 64,5 nghìn tấn, đạt khoảng 134% so với công suất đăng ký; các sản phẩm chủ yếu là tôm, cá đông lạnh các loại.

Sản lượng tiêu thụ nội địa gần 38,5 nghìn tấn, với giá trị 874 tỷ đồng; sản lượng xuất khẩu hơn 22,4 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu bình quân đạt 28,9 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, các nước Trung Đông.

 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:22, 26/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.