Năm 2023, giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 3% so với kế hoạch. Sản lượng thủy sản khai thác ổn định, đạt trên 273,4 nghìn tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt gần 11,3 nghìn tấn, tăng gần 28,3% so với cùng kỳ.
Khai thác an toàn
Ngư dân Nguyễn Tuấn, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ), cho biết, hoạt động đánh bắt hải sản trên biển đối diện nhiều rủi ro, đặc biệt là trong mùa biển động, nhưng với sự đồng hành của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, đặc biệt là Chi cục Thủy sản tỉnh và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh đã giúp tôi cũng như nhiều ngư dân vững tin vươn khơi, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngay sau khi tàu cập cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), ông Tuấn đã liên hệ với cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh tiến hành các thủ tục để kiểm tra an toàn kỹ thuật (ATKT) tàu cá và các thiết bị máy móc trên tàu.
Sự đồng hành của ngành chuyên môn, cùng trang thiết bị an toàn đã giúp ngư dân vững tin bám biển. |
Quảng Ngãi là địa phương có số lượng tàu cá lớn (4.285 tàu), lại hoạt động dài ngày trên biển, nên để công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATKT kịp thời, đảm bảo chính xác, đúng ngành nghề đăng ký, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh chủ động rà soát, thống kê, phân loại phương tiện. Từ đó gửi tin nhắn thông báo, nhắc nhở và hướng dẫn ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận ATKT tàu cá kịp thời. Với những ngư dân neo tàu ngoài tỉnh, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh cử cán bộ đến tận nơi tàu neo đậu để thực hiện việc kiểm tra ATKT.
Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh Tạ Công Cuộc cho biết, không chỉ thực hiện quy trình đăng kiểm, kiểm tra ATKT, các đăng kiểm viên còn giúp ngư dân kiểm tra các loại máy Icom, máy liên lạc tầm xa, tầm trung, máy dò cá cũng như hậu kiểm thiết bị giám sát hành trình tàu cá... Đồng thời, nhắc chủ tàu chấp hành các quy định trong quá trình khai thác, trang bị áo phao, phao cứu sinh và đăng ký khai báo chính xác vùng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong mỗi chuyến vươn khơi.
Niềm vui của ngư dân. |
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận ATKT tàu cá cho 2.754 phương tiện, thẩm định 331 hồ sơ thiết kế tàu cá... Trung tâm còn phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức các lớp bồi dưỡng chứng chỉ máy trưởng, thuyền trường tàu cá cho 156 học viên tại phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ).
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, công tác đăng kiểm, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATKT gắn với hậu kiểm thiết bị giám sát hành trình tàu cá ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, giúp ngư dân phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi tham gia khai thác trên biển. Điều này vừa giúp ngư dân bám biển an toàn, vừa đóng góp quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh đạt trên 273 nghìn tấn, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu cho hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, góp phần thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển.
Nuôi trồng hiệu quả
Cùng với khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt nhiều kết quả. Tuy tổng diện tích thả nuôi chỉ gần 1.400ha, giảm hơn 9%, nhưng sản lượng tăng 28,3% (đạt gần 11,3 nghìn tấn). Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết, cùng với việc định hướng phát triển NTTS phù hợp với từng vùng, khu vực, địa phương, thời gian qua, chi cục đã triển khai và nhân rộng thành công nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong NTTS gắn với đa dạng đối tượng nuôi. Đồng thời, triển khai thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường trong NTTS nhằm kịp thời thông tin, cảnh báo đến hộ nuôi và địa phương chủ động phòng tránh các ao nuôi, vùng nuôi chưa đảm bảo môi trường, góp phần hạn chế dịch bệnh do môi trường gây ra, tăng hiệu quả NTTS.
Nhờ áp dụng mô hình nuôi thâm canh, người nuôi ốc hương có thu nhập khá vì dịch bệnh ít, sản lượng cao. |
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh năm 2023. Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai mô hình nuôi thí điểm thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa Nước Trong, xã Sơn Bao và hồ Đồng Giang, xã Sơn Giang (Sơn Hà); hồ Hố Tạc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) và 6 mô hình nuôi thủy sản lồng bè bằng vật liệu HDPE trên sông, hồ chứa tại huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Ba Tơ và TX.Đức Phổ. Đến nay, chi cục đã cấp 97 giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè và 56 giấy phép NTTS trên biển. Điều này góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo hướng đa mục tiêu, cũng như góp phần tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân trong lưu vực.
Bà Đỗ Thị Thu Đông cho biết, song song với việc tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè mới, chi cục cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, giúp người dân đầu tư NTTS theo hướng nuôi an toàn, sạch bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, sản phẩm đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng, nhằm gia tăng giá trị cạnh tranh, cũng như thực hiện có hiệu quả Đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển NTTS trên sông, lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Bài, ảnh: NGỌC THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: