(Báo Quảng Ngãi)- Một số hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đang chuyển sang hướng đi mới, đó là vừa nuôi tôm, cá, vừa trồng dừa trên bờ hồ nuôi. Hướng đi này vừa giúp người dân có thêm thu nhập, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường.
Hiệu quả kinh tế cao
Gắn bó với nghề NTTS từ năm 2003, anh Phạm Hùng Huynh (42 tuổi), ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa hiện đang sở hữu 5 hồ nuôi tôm, cá ở xứ đồng Quan Thánh (Nghĩa Hòa), với tổng diện tích khoảng 1,5ha. Những năm gần đây, bên cạnh chú trọng NTTS, anh Huynh tận dụng các bờ bao của hồ nuôi tôm để trồng dừa xiêm lùn, dừa dứa. “Lúc đầu, tôi trồng chừng 50 - 60 cây dừa xiêm lùn, dừa dứa dọc theo bờ bao của 2 hồ nuôi.
Dừa trồng ở khu vực hồ tôm của anh Phạm Hoài Hân đã cho thu hoạch. |
Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc, dừa bắt đầu ra quả. Ngay ở kỳ thu hoạch đầu tiên, tôi thu về từ 20 - 30 quả/cây. Thấy việc trồng dừa quanh hồ nuôi tôm vừa tận dụng được diện tích đất, vừa không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng đạt hiệu quả kinh tế vì dừa cho quả quanh năm, tôi tiếp tục cải tạo đất, đắp bờ, trồng thêm dừa quanh các hồ tôm còn lại”, anh Huynh chia sẻ.
Từ mô hình tiên phong của anh Huynh, anh Trần Văn Dũng (49 tuổi) và anh Phạm Hoài Hân (35 tuổi), cùng nuôi tôm tại xứ đồng Quan Thánh đã học hỏi làm theo. Đến nay, hơn 30 gốc dừa xung quanh hồ tôm của anh Dũng đang bước sang năm thứ 2 và phát triển tốt. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, gần 50 cây dừa tại 2 hồ nuôi tôm của anh Hân cũng đã cho thu hoạch. "Không tốn nhiều diện tích đất và công chăm sóc, vậy mà từ cuối năm ngoái đến nay, bình quân mỗi cây dừa mang lại cho tôi thu nhập từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả", anh Hân chia sẻ.
Mở hướng phát triển du lịch sinh thái
Không chỉ trồng dừa trên bờ hồ nuôi tôm, cá để tận dụng diện tích đất, tăng gia sản xuất, các hộ NTTS ở xã Nghĩa Hòa còn nhạy bén hướng đến tạo cảnh quan, môi trường xanh. Qua đó, từng bước phát triển mô hình NTTS kết hợp du lịch sinh thái.
Mô hình nuôi cá diêu hồng tại xứ đồng Quan Thánh của anh Trần Văn Dũng, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa. |
“Chúng tôi đã hoàn tất việc dựng các lều nghỉ dưỡng lợp bằng lá dừa ngay bên bờ hồ để du khách khi ghé đến có chỗ nghỉ ngơi. Du khách đến đây, vừa thưởng thức nguồn tôm, cá tươi ngon, vừa có thể tham quan các hồ nuôi tôm, cá, hệ thống kênh, rạch dẫn nước rợp bóng dừa và cây bần - một loại cây sống ở vùng ngập mặn do chúng tôi trồng từ mấy năm nay để tạo cảnh quan sông nước dân dã, mộc mạc”, anh Dũng chia sẻ.
Vừa thay nước cho hồ nuôi cá diêu hồng nằm dưới tán dừa, anh Huynh vừa hào hứng chia sẻ, những năm gần đây, tôi chuyển sang nuôi đa dạng các loại thủy sản. Tôi vừa nuôi tôm, vừa nuôi cá diêu hồng, cá mú, cá đối... Cá diêu hồng dễ chăm sóc, có sức sống mãnh liệt, nên bên cạnh thả cá dưới hồ đất, tôi còn nuôi cá trong một ao nhỏ có lót bạt, để dễ dàng đánh bắt, phục vụ du khách ghé tham quan vùng nuôi trồng". Trong vụ NTTS năm 2022, 5 hồ nuôi cá mú, cá diêu hồng, cá đối, tôm, cua và mô hình trồng dừa xiêm lùn, dừa dứa trên bờ hồ nuôi đã mang lại cho anh Huynh lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Ngoài trồng dừa trên bờ bao của hồ nuôi, anh Huynh còn trồng thêm hàng trăm cây bần dưới ao nuôi để vừa tạo cảnh quan, vừa tạo ra bóng mát cho cá trú ngụ, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN