(Báo Quảng Ngãi)- Đánh bắt hải sản gặp khó khăn, tàu làm ăn thua lỗ là nguyên nhân khiến nhiều ngư dân trong tỉnh bỏ tàu rời biển. Tàu nằm bờ lâu ngày không được duy tu, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng, mục nát hoặc chìm, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện ra vào cửa biển, vừa ô nhiễm môi trường.
Những năm gần đây, cửa sông Phú Thọ, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) không còn cảnh tàu cá nhộn nhịp ra vào, mà lại ngổn ngang... xác tàu. Hầu hết những chiếc tàu ở đây từng là tàu công suất lớn của ngư dân ở 2 xã Nghĩa An, Nghĩa Phú. Một số chủ tàu làm ăn thua lỗ nên neo tàu để tìm việc khác, số khác thì thuộc diện thanh lý của ngân hàng. Do tàu bị phơi nắng, phơi mưa thời gian dài nên vỏ tàu mục nát, hư hỏng, phần bị chìm, phần trôi ra sông, ra biển. Tại cửa sông Phú Thọ hiện có trên 20 xác tàu, gây cản trở phương tiện ra, vào cửa sông. Ngư dân Nguyễn Văn Thạch, ở xã Nghĩa An cho biết, luồng lạch cửa sông bị bồi lấp, tàu ra vào đã khó, giờ thêm xác tàu chìm, vỏ gỗ trôi nổi rất dễ quấn vào chân vịt, gây nguy hiểm cho tàu đánh bắt hải sản của ngư dân.
Tàu cá bị hư hỏng trôi dạt tại cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). |
Còn tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), từ cửa biển đến cảng cá đều có xác tàu vỡ toác, mục nát, trôi nổi trên mặt nước khiến khu vực này trở nên nhếch nhác. Theo phản ánh của ngư dân, tại cảng cá Sa Huỳnh hiện có gần 30 xác tàu, đó là tàu của ngư dân làm ăn thua lỗ, không trả được nợ cho ngân hàng nên bị kê biên, chờ thanh lý. Ngư dân Nguyễn Văn Hết, ở phường Phổ Thạnh cho biết, mùa mưa bão, ngư dân chật vật tìm chỗ neo đậu cho tàu thuyền, trong khi những tàu hư hỏng, bỏ không lại đậu ở những khu vực an toàn nhất. Xác tàu chìm, tàu hư hỏng còn trở thành “bẫy” đe dọa các phương tiện khác. Như mùa mưa bão năm ngoái, trên đường chạy tàu vào cảng Sa Huỳnh để tìm nơi neo đậu, tránh trú, có nhiều tàu cá suýt gãy chân vịt vì va chạm với xác tàu chìm.
Chính quyền các địa phương cũng lúng túng trong việc xử lý các tàu hư hỏng nói trên. Bởi chính quyền không có thẩm quyền trong việc xử lý tàu thuộc diện kê biên, thanh lý của ngân hàng; với tàu chìm, hư hỏng nặng thì không có nguồn lực để tổ chức trục vớt. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công đề xuất, với những tàu vô chủ, bị hư hỏng nặng đề nghị chính quyền TP.Quảng Ngãi xem xét tổ chức trục vớt. Riêng những tàu cá đã bị ngân hàng kê biên, thanh lý nhưng chưa bán được cần có hướng giao lại cho ngư dân thuê tái sử dụng.
Thị xã Đức Phổ cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để sớm xử lý xác tàu chìm, hư hỏng tại cảng cá Sa Huỳnh. Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương cho biết, thị xã đã chỉ đạo UBND phường Phổ Thạnh tích cực liên hệ, thông báo với các chủ tàu khẩn trương có biện pháp bảo vệ, xử lý đối với phương tiện của mình. Nếu chủ tàu không về địa phương, hoặc quá thời gian quy định, chính quyền địa phương sẽ tổ chức trục vớt xác tàu, xử lý tàu vô chủ neo đậu nhiều năm tại các cảng cá, cảng neo trú trên địa bàn thị xã theo quy định. Qua đó, góp phần trả lại cảnh quan môi trường, đảm bảo an toàn cho các phương tiện ra vào cảng cá, khu vực neo trú, nhất là trong mùa mưa bão.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: