Ngành công thương: “Đầu tư” của nền kinh tế

21:53, 13/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành công thương tỉnh đã khẳng định vị thế “đầu tàu” của nền kinh tế Quảng Ngãi. Đây là tiền đề quan trọng để ngành công thương tiếp tục bứt phá, đạt được những thành tựu mới trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Kết nối giao thương

Năm 2024, ngành công thương Quảng Ngãi tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tham gia mô hình thương mại điện tử. Đồng thời, phát huy vai trò là cầu nối giúp DN, HTX tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu trong tỉnh, khu vực và các thị trường lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt là, tạo điều kiện, hỗ trợ DN tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương; kết nối DN với DN, DN với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, nổi bật là hoạt động kết nối giao thương với các đối tác có hệ thống thương mại lớn trong và ngoài nước như Central Retail, Bách hóa xanh, Lotte Mart, Ecofarm Pay, WinMart...

Ngành công thương tham gia Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, tháng 10/2024.
Ngành công thương tham gia Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, tháng 10/2024.

Các chương kết nối giao thương thành công đã góp phần đưa hàng hóa của Quảng Ngãi vươn xa. Đơn cử như, nhiều sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi được trưng bày tại Chương trình lễ hội Sắc quê Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh; hỗ trợ DN tham gia Hội chợ Triển lãm thương mại và du lịch ở Phú Yên, Hội nghị Gặp gỡ Indonesia tại TP.Nha Trang, Hội chợ Công thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên năm 2024, Hội chợ Triển lãm công thương - OCOP Thái Nguyên năm 2024, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn... Cùng với đó là, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu khu vực và toàn quốc, Hội chợ OCOP Bình Định và Lễ hội ẩm thực “Món ngon từ biển”...

Sở Công thương sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch và một số cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng; tiếp tục mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để hàng hóa của Quảng Ngãi vươn ra thị trường lớn”.

Giám đốc Sở Công thương
 VÕ VĂN RÂN

Không chỉ mở rộng thị trường trong nước, nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi cũng đã chinh phục thị trường nước ngoài. Nhờ đó, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 77,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023, vượt 0,8% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt hơn 2,53 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2023, vượt 1,3% so với kế hoạch...
Nhìn lại những khó khăn trong hoạt động thương mại, xuất khẩu của những tháng đầu năm 2024 sẽ thấy, thành quả ở chặng đường cuối năm là rất to lớn, mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là hành trình nỗ lực bền bỉ của hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh, mà còn ghi nhận sự hỗ trợ tích cực, thiết thực, hiệu quả của các ngành chức năng, đặc biệt là Sở Công thương.

Bứt phá đi lên

Năm 2024, Sở Công thương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở Công thương đã tích cực phối hợp với Viện Dầu khí Việt Nam, Bộ Công thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất.  Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, như dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III.

Một góc Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.  Ảnh: NGỌC ĐIỆP
Một góc Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.    Ảnh: NGỌC ĐIỆP

Trong năm qua, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh, mặc dù phải chịu tác động không nhỏ từ tình hình kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ lực, chiếm 99% tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ của ngành công nghiệp và là điểm sáng hiện nay trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Đứng đầu là lọc hóa dầu, chiếm tỷ trọng khoảng 32,7%, là ngành dẫn dắt phát triển công nghiệp của tỉnh. Ngành luyện kim, sản xuất kim loại phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2019, khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào sản xuất. Đây là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng gần 38% trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may, da giày chiếm tỷ trọng khoảng 6% với một số dự án FDI mới đi vào hoạt động như Nhà máy sản xuất đồ nội ngoại thất Oucanyon Dung Quất, Nhà máy Toray International Việt Nam...

Theo dự báo, năm 2025, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi; hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ có những dấu ấn mới. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất sẽ gia tăng sản xuất; đồng thời, một số dự án mới đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến cũng tăng mạnh so với năm 2024... Đây là nền tảng quan trọng để ngành công thương phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 21:53, 13/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.