Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

10:38, 06/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Sơn Hà đã mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất

Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà thành lập năm 2018 với 7 thành viên, hiện có gần 40 thành viên. Ban đầu, HTX có vốn điều lệ 500 triệu đồng, đến nay vốn điều lệ đã tăng lên hơn 5 tỷ đồng. Đa số thành viên của HTX là người dân tộc thiểu số (DTTS). Ngành nghề chính của HTX là chăn nuôi, trồng trọt và chế biến nông sản của địa phương. Hợp tác xã hỗ trợ các thành viên từ khâu cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Các sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng.
Các sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng.

Để hỗ trợ tốt cho các thành viên, HTX chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc để bảo quản sản phẩm và chế biến sâu sản phẩm nhằm gia tăng giá trị nông sản. Đến nay, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã đầu tư máy sấy lạnh, máy đánh lông gà, máy sấy nhiệt, máy trộn, máy hút chân không, lò xông khói... Hiện tại, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã xuất ra thị trường 12 loại sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: Gà kiến Sơn Hà, gà đen, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy, ớt xiêm rừng ngâm giấm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phan Anh Quang cho biết, huyện Sơn Hà đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến. Qua đó, giúp các HTX, các chủ thể trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hướng đến phát triển bền vững.

Năm 2024, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, đồng thời, đầu tư công nghệ chế biến để nâng hạng các sản phẩm OCOP.

Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết, sản phẩm khổ qua rừng của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian qua, sản phẩm này bán chạy, tuy nhiên vẫn còn ở dạng thô, thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy, với mong muốn tham gia chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đang đặt hàng mua thêm một số máy móc để sản xuất trà khổ qua rừng túi lọc và trà gừng gió.

Đối với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà), hiện đang sản xuất và chế biến một số sản phẩm đặc trưng của núi rừng Sơn Hà, trong đó có sản phẩm chuối hột rừng sấy khô đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

“Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của HTX, chúng tôi đã đầu tư máy sấy chuối để sản xuất sản phẩm chuối hột rừng sấy khô. Ngoài ra, thành viên của HTX còn chế biến thêm sản phẩm chuối sấy dẻo. Hợp tác xã đang có định hướng đầu tư một loại máy sấy có công suất lớn hơn để tăng năng suất, từ đó có thể chế biến thêm một số sản phẩm mới như khoai lang sấy dẻo, gừng sấy dẻo”, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy Đinh Văn Trun thông tin.

Những năm qua, huyện Sơn Hà luôn quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình là ứng dụng nền tảng số trong sản xuất, cập nhật tình hình sản xuất trồng trọt của huyện trên hệ thống cơ sở dữ liệu tỉnh. Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện sản xuất cây đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP và triển khai thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn. Cùng với đó, địa phương xây dựng mô hình số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các chủ thể chủ động quảng bá giới thiệu sản phẩm, cung cấp, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên các nền tảng số.

Đẩy mạnh bán hàng qua mạng

Từ năm 2019 đến nay, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Lazada, Shoppe, Tiki. “Những năm qua, đơn hàng liên tục tăng, doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Sắp tới, HTX tuyển nhân viên chuyên phụ trách livestream bán hàng trên mạng. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, bán hàng trên mạng là hướng đi tất yếu”, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết thêm.

Gần 2 năm qua, anh Tạ Đình Khương, chủ hộ kinh doanh Khương Đình, ở thôn Làng Rin, xã Sơn Trung (Sơn Hà) đẩy mạnh việc đăng bài bán hàng trên trang Facebook Heo ky Sơn Hà. Anh Khương cho biết, trung bình mỗi tuần tôi cung cấp cho siêu thị GO! từ 100 - 150kg heo ky đã làm sạch. Đồng thời, tôi lập trang Facebook lấy tên là Heo ky Sơn Hà để bán hàng.

Sản phẩm thịt heo ky của anh Khương Đình, ở thôn Làng Rin, xã Sơn Trung (Sơn Hà) được bày bán tại siêu thị GO! Quảng Ngãi.
Sản phẩm thịt heo ky của anh Khương Đình, ở thôn Làng Rin, xã Sơn Trung (Sơn Hà) được bày bán tại siêu thị GO! Quảng Ngãi.

Thành viên các HTX trên địa bàn huyện Sơn Hà đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về cách bán hàng trên Zalo, Facebook, TikTok do Liên minh HTX tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức. Kể từ khi biết cách đăng bài bán hàng trên Facebook, chị Trần Thị Như Thư, ở xã Sơn Thủy, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy thường xuyên đăng bài giới thiệu sản phẩm trên Facebook cá nhân.

“Trước đây, khi chưa tham gia các lớp tập huấn, tôi chưa tự tin để đăng bán hàng qua kênh Zalo, Facebook vì không biết viết câu giới thiệu như thế nào cho hấp dẫn. Từ ngày được tham dự các lớp tập huấn, tôi đã biết sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để thiết kế cũng như đặt những câu giới thiệu hấp dẫn cho sản phẩm của mình trên mạng xã hội. Cũng nhờ vậy mà tôi ngày càng tự tin bán hàng trên mạng, khách hàng biết đến sản phẩm chuối sấy dẻo của tôi ngày càng nhiều hơn”, chị Thư chia sẻ.

Chị Lê Thị Như Thư, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà) thường xuyên đăng bài quảng bá, bán hàng trên trang mạng xã hội.
Chị Lê Thị Như Thư, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà) thường xuyên đăng bài quảng bá, bán hàng trên trang mạng xã hội.

Mục tiêu của huyện Sơn Hà là đến cuối năm 2024, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện phải xác định được ít nhất 1 sản phẩm đặc trưng. Phấn đấu đến cuối năm 2024, Sơn Hà có thêm 7 sản phẩm OCOP mới đạt hạng 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên 12 sản phẩm. Đồng thời, áp dụng các công nghệ tiên tiến như ISO, HACCP, VietGAP, hữu cơ... để nâng hạng sao sản phẩm.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà Đinh Văn Chi, trong quá trình tham gia chương trình OCOP, các chủ thể, nhất là các chủ thể người đồng bào DTTS đã có những thay đổi trong cách sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng.

Về phía huyện, thông qua các chương trình, địa phương đã hỗ trợ các chủ thể về máy móc, phát triển sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã bao bì, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các quy định trên mẫu mã, bao bì sản phẩm. 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:38, 06/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.