(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng khác ở cơ sở. Qua đó, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hơn 8 năm là Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), bà Lê Thị Lâm Hồng đã trở thành “bạn đồng hành” của nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Để tổ TK&VV hoạt động hiệu quả, bà Hồng luôn nắm vững các quy định, thủ tục quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách để hướng dẫn các thành viên trong tổ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) kịp thời. Hiện nay, tổ TK&VV do bà Hồng quản lý có tổng dư nợ trên 2,1 tỷ đồng, với 60 tổ viên; thu lãi hằng tháng luôn đạt 100% và không có trường hợp nợ quá hạn. Nhờ làm tốt vai trò của mình, hằng năm, bà Hồng được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành khen thưởng vì có những đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách.
Bà Hồng cho biết, để hoạt động của Tổ TK&VV thôn Đề An đi vào nền nếp cần xây dựng thật tốt quy ước hoạt động của tổ, việc bình xét vay vốn phải được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tổ viên có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn, để trả tiền lãi, gốc đúng hạn.
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) Lê Thị Lâm Hồng (bên phải) thường xuyên nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả lãi đúng hạn. |
Từ sự tận tâm, nhiệt huyết của bà Hồng, đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong thôn tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Gia đình bà Phan Thị Nhật Thu, ở thôn Đề An, là một trong những hộ dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Bà Thu chia sẻ, gia đình tôi có diện tích đất ruộng nhiều, nhưng thiếu vốn sản xuất, nên cuộc sống cứ luẩn quẩn trong khó khăn. Năm 2022, thông qua sự hướng dẫn của Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đề An, tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng trọt. Nhờ trả tiền lãi, gốc đúng hạn, cuối năm 2023, tôi tiếp tục được vay 100 triệu đồng, để mua keo giống và 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ có vốn vay, gia đình tôi tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, có thêm động lực phát triển kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các tổ TK&VV do Hội LHPN xã Bình Chánh (Bình Sơn) quản lý cũng đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh Nguyễn Thị Nhiều, xã có 7 tổ TK&VV do Hội LHPN xã quản lý. Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác đạt hơn 18,5 tỷ đồng, với hơn 340 tổ viên còn dư nợ. Hằng tháng, các tổ TK&VV đều duy trì sinh hoạt để chủ động khảo sát, tập trung nắm bắt nhu cầu vay vốn của tổ viên, quán triệt tổ viên thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay vốn, trả gốc, lãi theo đúng quy định, nên không xảy ra nợ quá hạn. Nhờ làm tốt vai trò kết nối, kiểm tra, đôn đốc, các tổ TK&VV do Hội LHPN xã quản lý đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo nền tảng thúc đẩy hội viên, phụ nữ khó khăn mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết, toàn tỉnh có hơn 2.500 tổ TK&VV. Tổng dư nợ cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể đạt trên 5.560 tỷ đồng, với trên 105,7 nghìn lượt khách hàng còn dư nợ. Các tổ TK&VV không chỉ là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH, chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, mà còn phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, giúp việc quản lý vốn vay tốt hơn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: