(Báo Quảng Ngãi)- Sau những phiên biển, các chủ tàu cá lại thuê người cạo, làm sạch lớp vỏ ốc, hàu bám dưới đáy tàu. Nghề cạo đáy tàu rất nhọc nhằn nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề để có thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Vừa trở về sau phiên biển đánh bắt dài ngày ở quần đảo Trường Sa, anh Phạm Tấn Đức, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) tranh thủ đưa 2 chiếc tàu, với tổng công suất gần 900CV của mình lên một triền đà ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để vệ sinh, làm mới lại tàu. Đáy tàu với lớp hàu, chem chép bám dày đặc rất khó gỡ. “Lũ này bám dai lắm, chỉ có dùng sủi mới đẩy chúng ra khỏi vỏ tàu được. Cứ tầm 4 tháng tôi lại đưa tàu lên bờ thuê thợ vệ sinh cho tàu. Bởi nếu không làm sạch, lớp ốc, hàu này không chỉ làm hạn chế tốc độ di chuyển của tàu mà về lâu dài còn ăn mòn, dẫn đến hư hại tàu”, anh Đức lý giải.
Theo các ngư dân, tùy theo điều kiện của mỗi chủ tàu sẽ có thời gian vệ sinh tàu khác nhau. Có chủ tàu 5 - 6 tháng đưa tàu lên bờ vệ sinh một lần. Nhưng cũng có chủ tàu chỉ 3 -4 tháng đã đưa tàu lên triền đà làm sạch cho tàu. Chi phí cho mỗi lần cọ rửa, quét sơn lại mỗi tàu tầm 15 - 20 triệu đồng, tùy tàu lớn hay nhỏ.
Người thợ dùng cây sủi vệ sinh những lớp hàu, chem chép bám dưới đáy tàu cá. |
Sau khi ổn định chiếc tàu vừa đưa lên triền đà, đội thợ chuyên vệ sinh tàu gồm 7 người của anh Phạm Tấn Tự, ở xã Tịnh Hòa đã nhanh chóng kéo ống nước công suất lớn đến vệ sinh cho tàu. Các thành viên trong đội thợ cũng chia nhau ra làm việc. Người dùng vòi nước xịt qua vỏ tàu, người dùng sủi ủi hàu, chem chép, ốc bám dưới đáy tàu... Trưa nắng gắt, nhưng những người thợ làm nghề vệ sinh tàu vẫn chưa ngơi tay. Nhìn những đôi bàn tay đầy những vết xướt, chai sần tôi cảm nhận được nghề làm sạch cho tàu thật nhọc nhằn. Trung bình mỗi ngày, đội tàu của anh Phạm Tấn Tự làm sạch được 3 chiếc tàu và được chủ tàu trả tiền công khoảng 2,5 triệu đồng. Tính ra, mỗi người cũng kiếm được 330 nghìn đồng.
“Nghề này rất nhọc, suốt ngày dầm nước, phơi mình ngoài triền đà nên đòi hỏi phải có sức khỏe mới trụ nổi. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa vất vả hơn nhiều vì phải ngâm mình dưới nước lạnh để đưa tàu lên triền đà, rồi dầm mình trong mưa cả ngày để kỳ cọ tàu. Vất vả là vậy, nhưng cũng nhờ nghề này mà anh em chúng tôi có việc làm thường xuyên, có tiền trang trải cuộc sống gia đình”, anh Tự bày tỏ.
Ngoài các tàu được đưa lên triền đà, nhiều tàu còn thuê thợ lặn xuống nước làm vệ sinh cho tàu. Để kỳ cọ, làm sạch cho những tàu cá này, người thợ phải đeo ống hơi, cầm theo cây sủi lặn xuống dưới nước hàng giờ để làm sạch tàu. Công việc khó khăn, nặng nhọc và hiểm nguy hơn nên chỉ dành cho đàn ông khỏe mạnh. Tiền công cũng vì thế mà được trả cao hơn.
Có kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề lặn cạo đáy tàu dưới nước, ông Phạm Vĩnh, ở xã Tịnh Hòa vẫn không quên được những lần gặp sự cố trong quá trình hành nghề. “Có trường hợp bị chuột rút, không thể ngoi lên bờ được, các anh em trong đội đã nhanh chóng hỗ trợ đưa lên bờ. Hoặc có trường hợp bình hơi gặp sự cố khiến người lặn mất sức, tay chân mềm nhũn, có khi chảy cả máu mũi...”, ông Vĩnh tâm sự.
Bài, ảnh: AN NHIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: