(Báo Quảng Ngãi)- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp (DN) và hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, luật này vẫn còn một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Doanh nghiệp gặp khó
Luật BVMT năm 2020 cắt giảm 40% số thủ tục hành chính và giảm được 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, giúp DN giảm chi phí... Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, một số điều, khoản của luật và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện các thủ tục môi trường để triển khai dự án (DA). Theo phản ánh của các DN trong lĩnh vực chăn nuôi, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 có yêu cầu, các DN phải hoàn thành các công trình BVMT, rồi mới thực hiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy phép môi trường.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hải Phú, ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: M.HOA |
Tuy nhiên, điều này đã tạo gánh nặng cho DN vì chi phí đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khá lớn, dẫn đến chi phí thẩm định để làm các thủ tục xin giấy phép môi trường gia tăng. Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 quy định, thời gian cấp giấy phép môi trường từ 30 - 45 ngày làm việc, nhưng thực tế phải mất từ 1 năm trở lên. Nguyên nhân là khi tích hợp nhiều loại giấy phép vào một làm cho cơ quan có thẩm quyền cần thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện, quy định của luật và các quy định có liên quan.
Trong khi đó, một số DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản cũng gặp khó với quy định của Luật BVMT năm 2020, nhất là quy định các cơ sở, đơn vị đầu tư chỉ được cấp đổi giấy phép môi trường trong trường hợp thay đổi tên chủ DA. Còn những trường hợp khác, pháp luật chưa có quy định. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú, ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết, quy định này khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, vì thực tế, một số đơn vị, cơ sở, DN vẫn áp dụng Luật BVMT năm 2014 (do các loại giấy phép liên quan đến môi trường chưa hết thời hạn). Nếu DN muốn cấp đổi lại giấy phép môi trường, thì phải chờ đến khi giấy phép môi trường cũ hết hiệu lực, rồi mới đăng ký giấy phép theo Luật BVMT năm 2020.
Chính quyền lúng túng
Chính quyền địa phương cũng lúng túng trong quá trình thực thi Luật BVMT năm 2020, trong đó có việc xác định thẩm quyền cấp giấy phép môi trường. Một trong những đối tượng phải có giấy phép môi trường là các DA đầu tư nhóm I, II và III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại. Việc cấp giấy phép môi trường đối với các nhóm DA trên thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ TN&MT. Vấn đề là, một số DA thuộc các nhóm trên, hoặc công suất hoạt động lớn (từ 1 triệu sản phẩm trở lên) nhưng lượng phát thải, khí thải cũng như rác thải không lớn, còn nước thải thì có hệ thống thu gom và xử lý đảm bảo quy định, thì việc thực hiện thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép môi trường như thế nào? Hay như các DA đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, các DA được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Nếu vậy thì, một số DA xây dựng trường học, nhà văn hóa, giao thông... trên đất lúa có diện tích nhỏ, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục cấp ĐTM sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện DA...
Theo Sở TN&MT, Luật BVMT năm 2020 có nhiều điểm mới, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép môi trường. Thậm chí, một số DA đã và đang bắt đầu lập hồ sơ, nhưng lại lúng túng trong quá trình thực hiện, khiến việc cấp giấy phép môi trường bị chậm so với thời gian dự kiến ban đầu.
Do đó, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về BVMT. Đồng thời, tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị từ cơ sở trong quá trình thực thi Luật BVMT năm 2020 để báo cáo, tham mưu tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: