(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi đã tạo ra những chuyển biến mới trong sản xuất, tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cần tập trung kiểm soát chất lượng, giá cả sản phẩm OCOP để phục vụ người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Phản hồi từ thị trường
Quảng Ngãi là một trong các địa phương có tốc độ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP mạnh mẽ trong khu vực. Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 sản phẩm OCOP đạt cấp độ 4 sao và 3 sao. Hầu hết các địa phương đều có sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Một số sản phẩm mang tính đặc trưng gắn với từng địa phương như: Hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành... Đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng.
Nước mắm Mười Quý - sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Thanh Nhị |
Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra lưu thông hàng hóa trên thị trường, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện có một số sản phẩm OCOP của tỉnh chất lượng chưa đảm bảo như cam kết. Giá bán nhiều sản phẩm khá cao so với sản phẩm OCOP cùng loại của các địa phương khác đang có mặt tại Quảng Ngãi. Có chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP còn bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm cam kết về chất lượng, buộc tiêu hủy sản phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi các chủ cơ sở bị phát hiện vi phạm thực hiện các giải pháp khắc phục.
Theo phản ánh của người tiêu dùng, giá một số sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi bán cao hơn từ 5 - 10% so với các sản phẩm OCOP cùng loại được nhập về từ các địa phương lân cận như Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên. Trong đó, phổ biến nhất là ở các sản phẩm truyền thống như bánh nướng, bánh mè, bánh tráng, nem chả... Vì thế, khi quyết định chọn mua sản phẩm, nhiều người tiêu dùng đã cân nhắc lựa chọn sản phẩm OCOP ngoài tỉnh giá thành hợp lý hơn và thương hiệu lại mạnh hơn sản phẩm OCOP địa phương.
Chị Nguyễn Thị Tâm, ở đường Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) cho biết, cùng là mặt hàng bánh tráng nhưng sản phẩm của Bình Định mẫu mã đẹp hơn, giá lại thấp hơn sản phẩm bánh tráng của Nghĩa Hành, Mộ Đức. Khi mua ít thì mình chấp nhận, nhưng mua với số lượng nhiều mình sẽ phải cân nhắc lại, có thể chọn sản phẩm ngoài tỉnh.
Hướng đến phát triển bền vững
Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ, điểm bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, mở ra cơ hội hội nhập thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi không chỉ trưng bày, bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, mà còn được đưa vào các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki... Đặc biệt còn được đưa vào các gói quà sử dụng làm quà tặng cho các đối tác, mang lại hiệu ứng tốt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, có nhiều chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP thiếu nguồn lực đầu tư nên không trang bị máy móc phục vụ chế biến, sản xuất đảm bảo yêu cầu. Một vài chủ cơ sở sau khi đăng ký tham gia và được công nhận đạt sản phẩm OCOP lại tăng giá bán đột biến, trong khi chất lượng sản phẩm không tăng. Thanh tra Sở Công thương, Sở NN&PTNT đã kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc một số chủ cơ sở có vi phạm.
Từ nay đến cuối năm, các cơ quan chuyên môn sẽ tập trung kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, kịp thời phát hiện sai sót, chấn chỉnh để làm lành mạnh thị trường sản phẩm OCOP, góp phần đưa chương trình OCOP của tỉnh đi đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung kiểm tra sản phẩm bánh tráng tại Nghĩa Hành; kiểm tra mặt hàng chả, mắm các loại tại TP.Quảng Ngãi; các loại bánh truyền thống tại Mộ Đức... Việc kiểm tra giám sát sẽ thực hiện thường xuyên từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: